Dư luận trái chiều tại Ai Cập về khôi phục Quốc hội

Dư luận Ai Cập đã có phản ứng trái chiều xung quanh sắc lệnh của tân Tổng thống Morsy về việc khôi phục quốc hội từng bị giải tán.
Không nằm ngoài dự đoán, dư luận Ai Cập đã có những phản ứng trái chiều xung quanh sắc lệnh của tân Tổng thống Mohamed Morsy về việc khôi phục quốc hội từng bị Tòa án Hiến pháp tối cao giải tán.

Trong khi quân đội và Tòa án Hiến pháp tối cao (SCC) tuyên bố mọi phán quyết của tòa đều phải được tôn trọng, thì chính phủ của Tổng thống Morsy khẳng định sắc lệnh triệu tập quốc hội hoàn toàn dựa trên quy định của hiến pháp.

Ngày 9/7, người phát ngôn của Tổng thống Morsy, ông Ali cho rằng, sắc lệnh về khôi phục hoạt động của quốc hội là không vi phạm cũng như không trái với phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao.

Ông Ali nêu rõ, không có mâu thuẫn giữa tổng thống và tòa án, và tổng thống tôn trọng phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao. Ông cho rằng, quyết định của Tổng thống Morsy về khôi phục quốc hội cho đến khi quốc hội mới được bầu là dựa trên quy định của hiến pháp.

Theo sắc lệnh, cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi hiến pháp mới được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Sau khi sắc lệnh của tổng thống Morsy được ban hành, Chủ tịch Quốc hội Saad al-Katatni đã kêu gọi các thành viên của Hạ viện nhóm họp trong ngày hôm nay 10/7.

Tuyên bố trên của ông Ali được đưa ra ngay sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao ngày 9/7 bác bỏ sắc lệnh của tổng thống và khẳng định rằng mọi phán quyết của SCC là quyết định cuối cùng, mang tính bắt buộc, không một thể chế hoặc cá nhân nào có thể kháng cáo.

Tối cùng ngày, Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang (SCAF) của Ai Cập cũng ra tuyên bố ủng hộ các quyết định của Tòa án Hiến pháp tối cao, đồng thời kêu gọi tất cả các thể chế tôn trọng hiến pháp và luật pháp.

Chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Ai Cập, SCAF ngày 15/6 đã ra lệnh giải tán quốc hội theo phán quyết của SCC, cho rằng 1/3 số ghế trong quốc hội được bầu hồi đầu năm là không hợp lệ, và Luật Cách ly chính trị cấm các quan chức chế độ cũ hoạt động chính trị là vi hiến.

Giới phân tích cho rằng, căng thẳng vốn có giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ leo thang sau vụ việc được ví như một "cơn địa chấn chính trị" này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục