Dư luận Trung Quốc về vòng đàm phán Trung-Mỹ lần thứ 9

Trung Quốc và Mỹ dường như đang tiến dần đến việc đạt được thỏa thuận kinh tế thương mại toàn diện, chứ không phải là nền kinh tế hai nước ngày càng tách rời nhau.
Dư luận Trung Quốc về vòng đàm phán Trung-Mỹ lần thứ 9 ảnh 1Phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (thứ nhất, trái) đứng đầu trong cuộc đàm phán với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (thứ nhất, phải) đứng đầu tại Washington DC., ngày 21/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), vòng đàm phán thương mại cấp cao Trung-Mỹ lần thứ 9 đã diễn ra tại Washington ngày 3/4 vừa qua. Phía Mỹ phát đi những tín hiệu lạc quan khi đạt được nhiều tiến triển hơn trong vòng đàm phán này.

Trung Quốc và Mỹ dường như đang tiến dần đến việc đạt được thỏa thuận kinh tế thương mại toàn diện, chứ không phải là nền kinh tế hai nước ngày càng tách rời nhau.

Xu thế này đương nhiên không phù hợp với chủ trương cấp tiến của một số nhân vật trong chính quyền Mỹ, những người muốn tăng cường kiềm chế khi coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ chốt.

Việc hạ nhiệt quan hệ căng thẳng liên quan đến kinh tế thương mại Trung-Mỹ không chỉ là động thái duy nhất khiến chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ dường như không sát thực tế.

Trong vòng một năm qua, Mỹ áp dụng chính sách cứng rắn chưa từng có đối với Trung Quốc theo nhiều hướng nhưng hiệu quả đều rất thấp, nhiều biện pháp, bước đi được Mỹ nỗ lực thúc đẩy nhưng đều khó thực hiện, cho thấy tình trạng "lực bất tòng tâm" của Mỹ trong việc bao vây Trung Quốc.

Mỹ không ngừng bôi nhọ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, gắn mác tạo ra “bẫy nợ” cho dự án này. Tuy nhiên, đa số các nước đang phát triển không mấy quan tâm tới lời lẽ của Mỹ, và sáng kiến này vẫn được chào đón tại một số nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

[Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể khép lại trong 1 tháng tới]

Ngoài Italy đã chính thức tham gia “Vành đai và Con đường,” không ít nước lớn khác ở châu Âu cũng đã tham gia hợp tác thiết thực trong khuôn khổ sáng kiến này bằng các hình thức khác nhau.

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai được tổ chức vào cuối tháng 4 này sẽ quy tụ gần 40 nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự, tăng nhiều so với diễn đàn lần thứ nhất.

Về vụ việc liên quan đến Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, có thể nói Mỹ đã dốc hết sức, nhưng hiệu quả kiểm chế của Mỹ còn chưa rõ ràng, trong khi thế lực của Huawei ngày càng hiện rõ. Do đó, có thể thấy Mỹ không phải muốn làm gì thì làm, vụ việc liên quan Huawei là một tấm gương thực tế.

Sức mạnh quân sự của Mỹ là rất lớn, nhưng dư luận ngày càng nghi ngờ về hiệu quả gây sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay qua đường giới tuyến của Eo biển Đài Loan tạo ra tác động lớn hơn nhiều so với việc tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển này. Một số nhà phân tích còn cho rằng Mỹ sẽ gặp bất lợi trong ván bài đọ sức tiếp theo với Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan.

Hơn nữa, những động thái kiềm chế Trung Quốc của Mỹ có thể coi là không thành công. Nguyên nhân cơ bản là Mỹ đã đánh giá sai mục tiêu chiến lược, thực lực của Trung Quốc cũng như khả năng Mỹ huy động sức mạnh trong nước và đồng minh để cùng bao vây Trung Quốc.

Mong muốn kiềm chế Trung Quốc của một bộ phận giới tinh hoa Mỹ không cân đối được với lợi ích của các thế lực trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời cũng thiếu công cụ vừa có thể gây tổn thất cho Trung Quốc vừa tránh cho Mỹ cùng chịu tổn thất.

Trung Quốc không chủ trương thay đổi trật tự thế giới, kiểm soát mọi nơi trên thế giới, việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu cùng có lợi, cùng thắng không phải là nói suông. “Vành đai và Con đường” trên thực tế đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các nước tham gia vào dự án này. Mỹ đã tạo ra nhiều ý tưởng để kiềm chế Trung Quốc, nhưng rốt cuộc điều Mỹ muốn kiềm chế thực chất là cái gì.

Ngoài Huawei là một ví dụ không thành công, Viện Khổng Tử cũng là một mục tiêu cần ngăn chặn khác của Mỹ. Tuy nhiên, Viện Khổng Tử lại rất cần thiết đối với các trường đại học của Mỹ, do đó, trên thực tế Mỹ cũng không đóng cửa được mấy học viện kiểu này.

Trung Quốc không đối đầu Mỹ, nhưng đường lối kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi trước Mỹ lại thu được kết quả rõ rệt. Về quân sự, trọng điểm của Trung Quốc là vùng biển gần, Trung Quốc đã hình thành quyền chủ động về cục bộ.

Về hợp tác đối ngoại, bao gồm hợp tác với Mỹ, đều mang tính chất cùng thắng, điều này tạo lực cản lớn cho Mỹ khi muốn gây tổn hại đến quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Mỹ mạnh hơn Trung Quốc nhưng Trung Quốc dùng sức mạnh một cách rất tập trung, hợp lý, qua đó gây khó khăn cho việc triển khai chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Chủ trương chiến lược của một bộ phận giới tinh hoa Mỹ quá viển vông, họ muốn kiềm chế Trung Quốc, nhưng đồng thời lại gây tổn hại cho chính hệ thống quốc tế do Mỹ gây dựng.

Có thể nói rằng không thể đồng thời thực hiện được cả 2 mục tiêu kiềm chế Trung Quốc và “Nước Mỹ trước tiên." Lý do là bởi nếu theo đuổi mục tiêu thứ nhất, Mỹ phải lôi kéo đồng minh, nhưng việc thực hiện mục tiêu thứ hai lại đẩy đồng minh ra xa.

Vài năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, cải thiện quan hệ với các nước xung quanh là đồng minh của Mỹ, trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước đồng minh lại không những không được tăng cường mà thậm chí còn trở nên xa cách hơn. Ngoài ra, Mỹ còn chủ động rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế. Việc kiềm chế Trung Quốc thiếu đi đội hình và trận tuyến căn bản, khiến cái gọi là Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trở nên hữu danh vô thực.

Trong một năm qua, Mỹ đã thực hiện một chính sách sai lầm đối với Trung Quốc, Mỹ đã nhìn nhận sai về thời đại, đánh giá sai về nguyên nhân trong các vấn đề của Mỹ. Trung Quốc chưa hề triển khai cạnh tranh địa chính trị với Mỹ, gốc rễ sự thịnh, suy của Trung Quốc và Mỹ trong tương lai đều nằm ở nội bộ mỗi nước.

Trung Quốc thường nhấn mạnh phải làm tốt công việc của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mong muốn giải quyết tốt vấn đề của Mỹ, nhưng thế lực gây cản trở điều này tại Mỹ lại quá nhiều. Sức lực của Mỹ nên tập trung vào việc loại bỏ những cản trở đó, chứ không nên tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục