Dư luận về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nêu rõ củng cố quan hệ đồng minh chiến lược Hàn-Mỹ; xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau với Trung Quốc và quan hệ liên Triều dựa trên nguyên tắc “có đi có lại.”
Dư luận về chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ảnh 1Ông Yoon Suk-yeol giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ Hankyoreh (Hàn Quốc) ngày 14/3 nhận định chương trình nghị sự về đối ngoại và an ninh của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ưu tiên quan hệ với Mỹ và "gieo mầm" xung đột với Triều Tiên, Trung Quốc.

Theo truyền thông Hàn Quốc, có thể dự báo trước sự thay đổi định hướng chính sách của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol trong hàng loạt vấn đề như ngoại giao, an ninh, năng lượng, bất động sản, bình đẳng giới, phúc lợi y tế, lao động và giáo dục.

Trong số đó, Ủy ban Chuyển tiếp chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol đã đúc kết thành khẩu hiệu “Chính sách ngoại giao tự tin và an ninh quốc gia mạnh mẽ.”

Ngày 10/3, phát biểu trước người dân cả nước sau khi thắng cử, ông Yoon Suk-yeol cho biết định hướng chính sách ngoại giao và an ninh của Hàn Quốc dưới thời ông sẽ là "kiên quyết đáp trả các hành động bất hợp pháp của Triều Tiên bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc; xây dựng lại và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược Hàn-Mỹ; xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau với Trung Quốc; và thiết lập mối quan hệ hướng tới tương lai với Nhật Bản."

Ưu tiên liên minh Hàn-Mỹ

Trong bài viết đăng trên tạp chí "Foreign Affairs" (Mỹ) hồi tháng 2/2022, ông Yoon Suk-yeol cho rằng quan hệ liên minh Mỹ-Hàn đã bị tổn hại do chính sách của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đối với Triều Tiên.

Chỉ 4 ngày trước cuộc bầu cử, trên trang Facebook cá nhân, ông Yoon Sek-yeol viết rằng mục tiêu thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của chính quyền Moon Jae-in đã thất bại vì các chính sách về Triều Tiên được đưa ra “không dựa trên nguyên tắc và xem thường liên minh Hàn-Mỹ.”

Khi công bố định hướng chính sách ngoại giao và an ninh vào ngày 24/1, ông nhấn mạnh rằng sẽ “xây dựng lại liên minh Hàn-Mỹ - vốn đã bị sụp đổ trong 5 năm qua.”

[Hàn Quốc: Tổng thống đắc cử hướng tới kỷ nguyên chuyển đổi và đổi mới]

Ông Kim Sung-han, Trưởng bộ phận tư vấn chính sách đối ngoại Ủy ban Vận động tranh cử của ông Yoon Suk-yeol, cho rằng Hàn Quốc đã không hành động tương xứng với tư cách là một đồng minh của Mỹ.

Đó là lý do tại sao tổng thống đắc cử Hàn Quốc đề ra chủ trương “xây dựng lại” liên minh Hàn-Mỹ, thay vì chỉ khôi phục liên minh này. Ngay trong cuộc gặp ngày 11/3 với Christopher Del Corso - Quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol đã nhấn mạnh cam kết sẽ ổn định mối quan hệ phù hợp với nền tảng liên minh Hàn-Mỹ.

Xây dựng quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai

Việc Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol nhấn mạnh “xây dựng lại” liên minh Hàn-Mỹ chắc chắn sẽ kéo theo những thay đổi về chiều hướng quan hệ Hàn-Nhật.

Trong báo cáo “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được công bố vào tháng 2 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra kế hoạch hàn gắn quan hệ Hàn-Nhật trong 1-2 năm tới.

Trong cuộc điện đàm ngày 10/3, Tổng thống Biden đã trực tiếp đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác 3 bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, nhấn mạnh rằng 3 nước cần phối hợp chặt chẽ trong chính sách về Triều Tiên.

Ông Yoon Suk-yeol nhiều lần nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã hủy hoại quan hệ Hàn-Nhật và không có bất kỳ nỗ lực nào để giải quyết các vấn đề song phương còn tồn đọng. Trong phát biểu ngày 10/3, ông Yoon Suk-yeol tái khẳng định mục tiêu thiết lập mối quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai.

Tuy nhiên, định hướng này cũng đã được Tổng thống Moon Jae-in đề cập quá nhiều lần vì mấu chốt của xung đột Hàn-Nhật nằm ở thái độ của Nhật Bản về các vấn đề lịch sử và nếu nguyên nhân cơ bản này không được giải quyết, quan hệ Hàn-Nhật sẽ khó có tiến triển dưới thời chính quyền Yoon Suk-yeol.

Điều hướng lại “mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc"

Quan hệ Hàn-Trung là một thách thức đối với Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol. Cũng trong bài viết trên tờ "Foreign Affairs", ông Yoon Suk-yeol cho rằng Hàn Quốc phải điều chỉnh lại mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh, đồng thời chỉ trích chính quyền Moon Jae-in đã “đầu hàng trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Trung Quốc và tỏ thái độ quá phục tùng Trung Quốc.”

Thay vì phản ứng thụ động với môi trường quốc tế đang thay đổi, Hàn Quốc nên tích cực thúc đẩy “một trật tự tự do, cởi mở và bao trùm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và theo đuổi việc gia nhập Bộ Tứ mở rộng.

Trong cuộc gặp ngày 11/3 với Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Hình Hiểu Minh, ông phát biểu rằng Hàn Quốc đang trông cậy vào việc Trung Quốc thể hiện vai trò là một “quốc gia có trách nhiệm trên thế giới.”

Việc sử dụng cụm từ “có trách nhiệm” là rất đáng chú ý, vì cụm từ này được Mỹ sử dụng để phê phán thái độ hợp tác của Trung Quốc trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Giám đốc Viện chính sách Mỹ-Trung của trường Đại học Ajou (Hàn Quốc), ông Kim Heung-kyu, cho rằng thách thức lớn nhất đối với chính quyền tiếp theo của Hàn Quốc là quan hệ Hàn-Trung.

Ông cho rằng tăng cường liên minh Hàn-Mỹ là điều mà mọi người có thể đồng ý, nhưng Hàn Quốc cần lường trước hệ lụy từ chính sách này trong quan hệ với Trung Quốc.

Quan hệ liên Triều dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”

Mặc dù cam kết của ông Yoon Suk-yeol là bình thường hóa quan hệ liên Triều và thúc đẩy thịnh vượng chung, nhưng nền tảng chính sách là “nguyên tắc có đi có lại.”

Cũng trong bài viết đăng trên tờ "Foreign Affairs," ông Yoon Suk-yeol cho rằng Hàn Quốc nên đưa ra một lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và nếu lãnh đạo Triều Tiên mạnh dạn thực hiện quyết định phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ kinh tế và thảo luận các dự án hợp tác, trong đó có kế hoạch phát triển chung liên Triều.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này được cho là giống với chính sách từng thất bại dưới thời chính quyền Lee Myung-bak có tên “Tầm nhìn 3000: Phi hạt nhân hóa và mở cửa.”

Không chỉ vậy, ông Yoon Suk-yeol còn đặt ra một “rào cản” rất lớn khi cho rằng biện pháp khôi phục lòng tin đầu tiên là tuyên bố và hành động chân thành của Triều Tiên về các chương trình hạt nhân. Đây là điều mà Triều Tiên đã không thực hiện trong 3 thập kỷ qua.

Tiến sỹ Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Sejong, cho rằng thay vì đi theo “vết xe đổ” của chính quyền Lee Myung-bak, ông Yoon Suk-yeol nên rút ra các bài học từ thời chính quyền Roh Tae-woo, đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán bằng cách giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với chính sách về Triều Tiên song song với việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Hwang Soo-young, Giám đốc Trung tâm Hòa bình và Giải trừ Quân bị (Hàn Quốc), cho rằng các chính sách trừng phạt và gây áp lực đã thất bại trong quá khứ.

Bà dự báo rằng hầu như không có khả năng đạt được tiến bộ thực chất nào đối với mục tiêu kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo bà, bước đi đầu tiên của tổng thống đắc cử Hàn Quốc là nên tôn trọng và thực thi Tuyên bố chung Panmunjeom và Thỏa thuận quân sự đạt được với Triều Tiên ngày 19/9/2018, giống như lập trường của chính quyền Biden là tôn trọng các thỏa thuận hiện có với Triều Tiên.

Chính sách quân sự và an ninh quốc gia

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cam kết triển khai bổ sung Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống “vòm sắt” chống tên lửa, bình thường hóa quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và mô tả Triều Tiên là “kẻ thù” của Hàn Quốc trong Sách trắng quốc phòng.

Nếu được thông qua, lần triển khai THAAD tiếp theo sẽ trở thành một “biến số” lớn trong quan hệ Seoul-Bắc Kinh.

Hàn Quốc và Mỹ tổ chức 2 đợt tập trận quân sự chung mỗi năm. Quy mô các cuộc tập trận đã được thu nhỏ đáng kể và chủ yếu dưới hình thức mô phỏng trên máy tính (CPX), kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6/2018 tại Singapore.

Tuy nhiên, cuộc tập trận dự kiến vào tháng 8/2022 tới có thể sẽ diễn ra với quy mô lớn giống như trước đây. Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại về triển vọng xấu trong quan hệ liên Triều bởi Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ là minh chứng cho “chính sách thù địch.”

Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng ông Yoon Suk-yeol nên xem xét lại các cam kết về đối ngoại và an ninh quốc gia. Giáo sư Kim Heung-kyu, làm việc tại trường Đại học Ajou, cho biết khi là một ứng cử viên, ông Yoon Suk-yeol có thể đưa ra những cam kết dân túy để giành được sự ủng hộ của cử tri, nhưng trên cương vị tổng thống, ông phải chịu trách nhiệm về vận mệnh quốc gia.

Giáo sư Kim khuyến nghị tổng thống đắc cử nên lắng nghe ý kiến của các chuyên gia từ cả hai đảng bảo thủ và cấp tiến, điều chỉnh dự thảo chính sách ngoại giao và an ninh.

Đồng quan điểm này, tiến sỹ Cheong Seong-chang cũng cho rằng Ủy ban Chuyển tiếp cần mạnh dạn chấp nhận sự chỉ trích và điều chỉnh các định hướng chính sách về ngoại giao và an ninh. Vị trí Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc nên được dành cho một chuyên gia có tư tưởng ôn hòa do đảng Dân chủ đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục