Dự luật giảm thuế doanh nghiệp của chính phủ Đức rơi vào bế tắc

Hiện tại, kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang trở thành nạn nhân của suy thoái kinh tế.

Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)

Thượng viện Đức ngày 24/11 đã bác dự luật giảm hàng tỷ euro thuế thu nhập đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ được thiết kế nhằm kích thích đầu tư trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài suy yếu và lãi suất tăng cao.

Hầu hết các nghị sỹ tại Thượng viện Đức đã bỏ phiếu nhất trí chuyển dự luật trên, có tên gọi Đạo luật về Cơ hội tăng trưởng, tới một ủy ban hòa giải của quốc hội. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm ủy ban này nhóm họp về dự luật này. Dự luật này đã được Hạ viện Đức thông qua vào tuần trước.

Dự luật này đề xuất giảm khoảng 7 tỷ euro (hơn 7,6 tỷ USD) tiền thuế doanh nghiệp mỗi năm kể từ năm 2024 và tổng cộng hơn 32 tỷ euro cho đến năm 2028. Với dự luật này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể khấu trừ khoản lỗ vào bất kỳ khoản lợi nhuận nào trong cùng năm tài chính để được giảm thuế.

Các doanh nghiệp sẽ nhận được một khoản trợ cấp tương đương 15% số tiền mà họ đầu tư cho các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện tại, kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang trở thành nạn nhân của suy thoái kinh tế. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ doanh nghiệp nộp đơn phá sản trong tháng 10 đã tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng Chín trước đó, mức tăng này là 19,5%. Từ tháng Sáu, tỷ lệ doanh nghiệp nộp đơn phá sản gia tăng đều và luôn ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Đức với tư cách là một trung tâm công nghiệp đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp kiểm toán Deloitte công bố kết quả khảo sát cho thấy 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Trong khi đó, 45% doanh nghiệp dự báo rằng nước Đức sẽ tiếp tục tụt lại phía sau so với các trung tâm công nghiệp khác.

Tâm trạng bi quan xuất hiện nhiều trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp ôtô, trong khi các lĩnh vực khác như hóa học, xây dựng, vận tải và hậu cần ít bi quan hơn về địa điểm sản xuất tại Đức. 67% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã và đang ứng phó bằng sự thay đổi trong chuỗi giá trị của họ.

Nhiều công đoạn của hoạt động sản xuất, trong đó có những công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao, được chuyển ra nước ngoài. Điều này gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục