Dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt trên 226 nghìn tỷ đồng

Nguồn vốn chính sách đã giúp cho hơn 361 nghìn lao động có việc làm, gần 44.600 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình ở nông thôn.
Dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt trên 226 nghìn tỷ đồng ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 20/1/2021, phát biểu tại phiên họp thường kỳ Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng đánh giá trong năm 2020, nước ta đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ tuy nhiên Ngân hàng Chính sách đã kịp thời chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống, Ngân hàng Chính sách tiếp tục đạt kết quả tốt trên các mặt hoạt động.

Năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị yêu cầu Ban điều hành tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược để thực hiện kịp thời, hiệu quả.

[Hành trình 10 năm những bước tiến vượt bậc của tín dụng chính sách]

Các đơn vị trong hệ thống tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, Thống đốc cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách tích cực huy động các nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống...

Tính đến hết năm 2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 233.426 tỷ đồng, tăng 21.532 tỷ đồng so với năm 2019. Nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 20.315 tỷ đồng, tăng 4.881 tỷ đồng so với năm 2019.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng so với cuối năm 2019; trong đó dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 194.405 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (+8%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong số đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm dư nợ đạt 166.818 tỷ đồng, chiếm 73,7% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,76%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,21%/tổng dư nợ.

Riêng chương trình cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động.

Với mạng lưới điểm giao dịch xã hoạt động ổn định, hiệu quả, an toàn phủ khắp toàn quốc của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2020, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 361.000 lao động, giúp hơn 5.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 44.600 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 17.300 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; gần 6.200 căn nhà ở xã hội.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục