Dự trữ dầu giảm - Thách thức năng lượng Indonesia

Dự trữ dầu mỏ của Indonesia đang ngày một giảm sút chính là thách thức năng lượng chủ yếu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Năng lượng ReforMiner (có trụ sở tại Jakarta), Komaidi Notonegoro, dự trữ dầu mỏ hiện nay của Indonesia đang ngày một giảm sút chính là thách thức năng lượng chủ yếu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Quan chức cấp cao Cơ quan quản lý và điều hành lĩnh vực dầu khí SKK Migas thuộc Chính phủ Indonesia, Sumatra Agung P Budiono cho biết dự trữ dầu mỏ 4,4 tỷ thùng hiện nay của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, tương đương 0,2% dự trữ toàn cầu, vẫn tiếp tục đà giảm sút.

Chính phủ Indonesia trong dự thảo kế hoạch ngân sách 2013 sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, đã phải điều chỉnh mức sản lượng dầu từ 900.000 thùng/ngày xuống 840.000 thùng/ngày vì nhịp độ khai thác tiếp tục đà giảm, bắt đầu từ năm 2006 khi nước này phải rút khỏi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu mỏ, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là thiếu đầu tư thích đáng vào thăm dò, khai thác các mỏ dầu mới.

Theo SKK Migas, với dự trữ 4,4 tỷ thùng, Indonesia hiện đứng thứ 5 trong các quốc gia ở Châu Á, sau Trung Quốc (14,8 tỷ thùng dầu), Ấn Độ (5,8 tỷ thùng), Malaysia (5,5 tỷ thùng), Việt Nam (4,5 tỷ thùng), trên Brunei (1,1 tỷ thùng) và trên cả Australia với 4,2 tỷ thùng.

Ông Sumatra Agung P Budiono nói rằng ngoài việc thực hiện các chính sách và biện pháp khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài cho ngành dầu khí, Chính phủ Indonesia sẽ thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để bù lại cho dự trữ dầu mỏ đang trên đà giảm hàng năm, và tăng cường đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả cũng như để có đủ khả năng tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển nước sâu.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Komaidi Notonegoro nhấn mạnh rằng yêu cầu trên là hết sức cấp thiết, bởi dự trữ dầu hiện nay của Indonesia chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của đất nước trong 11 năm./.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục