Đưa sân khấu đến gần khán giả: Cần nhiều hơn những cái bắt tay

Không chỉ đưa kịch Bắc du Nam, các nghệ sỹ Hà Nội còn mang “hơi thở” của sân khấu phía Nam ra với công chúng Thủ đô; nhiều đơn vị nghệ thuật xây dựng được lịch diễn định kỳ…
Đưa sân khấu đến gần khán giả: Cần nhiều hơn những cái bắt tay ảnh 1"Bệnh sỹ" của Lưu Quang Vũ được Nhà hát kịch Việt Nam phục dựng (Ảnh: Nhà hát kịch Việt Nam)


Không chỉ đưa kịch Bắc du Nam, các nghệ sỹ Hà Nội còn mang “hơi thở” của sân khấu phía Nam ra với công chúng Thủ đô; nhiều đơn vị nghệ thuật xây dựng được lịch diễn định kỳ…

“Ở nửa đầu năm 2014, bức tranh sân khấu Hà Nội đã có những khởi sắc, các nghệ sỹ đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng. Để sân khấu liên tục đỏ đèn, những người làm nghề hãy để khán giả thấy mình qua các nhân vật trên sàn diễn,” nghệ sỹ ưu tú Lê Chức - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam bày tỏ.

“Cần nhiều cái bắt tay”

Vở kịch cổ tích “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần” được coi là một “món lạ” với khán giả Thủ đô. Tác phẩm nằm trong chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” từng được dàn dựng công phu và gây được tiếng vang lớn ở sân khấu IDECAF (Thành phố Hồ Chí Minh) của nghệ sỹ ưu tú Thành Lộc.

Hè này, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ đã “bắt tay” với các nghệ sỹ sân khấu IDECAF để dựng lại “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần.”

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, toàn bộ thiết kế sân khấu, phục trang... của vở diễn được chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Tuy nhiên, nhà hát đã có sự điều chỉnh, thay đổi khoảng 40% nội dung kịch bản để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả Hà Nội.

Câu chuyện xảy ra tại vương quốc Nụ Cười. Công chúa Hoa Hồng vì muốn độc chiếm tình cảm của cha mẹ và nghe lời xúi giục của phù thủy Chồn Hôi nên đã dùng điều ước do bà tiên ban tặng để biến hoàng tử em trai mình thành một chú gấu. Hối hận trước hành động của mình, suốt 10 năm ròng, công chúa Hoa Hồng đã phải tìm mọi cách để tìm cách giải cứu em trai.

Từ đầu năm 2014 tới nay, bên cạnh việc đưa các vở diễn của sân khấu miền Bắc vào giới thiệu với khán giả miền Nam (nghệ sỹ nhân dân Lan Hương đưa Đoàn kịch Hình thể vào Nam với “Tâm linh Việt,” “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” “Nguyễn Du với Kiều”; nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh mang “Thị Hến du Xuân” Nam tiến đúng dịp 8/3…), sân khấu đã dần hình thành một dòng chuyển động theo chiều ngược lại từ Nam ra Bắc.

Đưa sân khấu đến gần khán giả: Cần nhiều hơn những cái bắt tay ảnh 2"Hoàng tử gấu và hạt đậu thần" được coi là "món lạ" với công chúng Thủ đô dịp Hè này (Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ)

“Ở mỗi giai đoạn, sân khấu có xu hướng vận động riêng. Có thời gian, chủ yếu khán giả thấy kịch Bắc vào Nam; có thời kỳ, người ta lại liên tục chứng kiến kịch Nam ra Bắc và cũng có những khoảng thời gian, sự dịch chuyển ấy chững lại. Thời gian tới, tôi cho rằng, xu hướng của sân khấu sẽ là sự kết hợp của các nghệ sỹ, các đơn vị nghệ thuật ở cả hai miền để đưa tới cho công chúng những ‘bữa tiệc’ phong phú,” đạo diễn Chí Trung bày tỏ.

Theo nghệ sỹ ưu tú Lê Chức - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, sự “bắt tay” của các nghệ sỹ, đơn vị nghệ thuật (như việc kết hợp dàn dựng “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần” phiên bản Hà Nội vừa qua) là một tín hiệu rất đáng mừng. Trong thời gian tới, sân khấu cần nhiều hơn nữa những cái “bắt tay” như vậy.

“Mỗi đơn vị nghệ thuật có thế mạnh riêng. Khi các nghệ sỹ ‘bắt tay,’ khán giả sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn những tác phẩm có chất lượng tốt. Nghệ sỹ cũng giống như người đầu bếp, cứ cho khán giả ăn mãi một món, dù là 'sơn hào hải vị' thì công chúng cũng sẽ chán,” nghệ sỹ ưu tú Lê Chức chia sẻ.

Để đèn… không tắt bóng

Phát huy thế mạnh về chính kịch, thời gian qua, các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội cũng liên tục phục dựng hoặc dựng mới nhiều vở diễn ở thể loại này. Nhiều tác phẩm gây được tiếng vang lớn, khiến người xem cùng khóc, cười theo nhân vật như “Bệnh sỹ,” “Lâu đài cát” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Nhà có ba chị em gái” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Đường đua trong bóng tối” (Đoàn kịch nói Công an nhân dân)...

“Ô hay, có phải mình mày nói dối đâu, cả xã nói dối, cả huyện nói dối, cả nước đang nói dối. Cho nên mày hãy dối một lần cho tao nhờ…” Lời thoại ấy của “Bệnh sỹ” - vở diễn nói về thói háo danh, khiến người xem không khỏi thấy cay cay nơi sống mũi.

“Những tác phẩm đó hấp dẫn người xem trước hết ở chính vấn đề của thực tế đời sống mà chúng thể hiện. Người ta giật mình nhận ra hình ảnh của chính mình và những người xung quanh trong những vai diễn trên sân khấu; để rồi cùng lắng lòng ngẫm ngợi về những thông điệp trong đó,” nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành - vị đạo diễn gạo cội cả một đời đeo đẳng với sân khấu chia sẻ.

Thông tin từ Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, những đêm diễn “Bệnh sỹ,” “Lâu đài cát” hầu như đều kín khán giả. Mỗi vở diễn được diễn đều đặn hai buổi/tuần tại rạp số 1 Tràng Tiền (Hà Nội).

Theo nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành, khi vở diễn nói được những điều công chúng hiện nay quan tâm, khán giả sẽ không quay lưng lại, hờ hững với sân khấu.  Đây là một hướng đi quan trọng để vực lại sân khấu phía Bắc sau thời kỳ dài "ngủ Đông."

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Lê Chức cũng cho rằng, thực tế việc phục dựng lại những tác phẩm cũ (như kịch bản “Bệnh sỹ” của Lưu Quang Vũ từ cách đây hơn 20 năm hay làm mới “Nhà có ba chị em gái” từ bản dựng đầu tiên của nghệ sỹ nhân dân Xuân Huyền từ cách đây 10 năm…) cũng cho thấy, sân khấu Thủ đô chưa tạo được bước đột phá, đặc biệt là về khâu kịch bản.

“Điều đó một mặt cho thấy tài năng của những nghệ sỹ lớn như Lưu Quang Vũ nhưng mặt khác, nó cũng phản ánh sự thiếu vắng những kịch bản hay trong giai đoạn hiện nay,” nghệ sỹ ưu tú Lê Chức bày tỏ.

Đưa sân khấu đến gần khán giả: Cần nhiều hơn những cái bắt tay ảnh 3Một cảnh trong vở "Lâu đài cát" (Ảnh: Nhà hát kịch Việt Nam)

Có cùng quan điểm trên, nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cũng cho rằng, nguồn kịch bản sân khấu hiện nay khá phong phú nhưng số lượng kịch bản hay, thể hiện sự độc đáo, khác biệt lại khá hiếm.

“Nhiều tác giả phần lớn chỉ viết kịch bản theo đơn đặt hàng với lối viết một màu, một giọng điệu về những vấn đề tham nhũng hay tệ nạn xã hội chung chung. Để vực dậy và phát triển sân khấu, chúng ta cần một nguồn sức mạnh tổng hợp từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên cùng nhiều điều kiện vật chất khác...” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục