Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach đã cho kiểm kê lại toàn bộ số vaccine ngừa COVID-19 dự trữ ở nước này. Kết quả đã gây bất ngờ khi Đức không đặt đủ lượng vaccine cần thiết và có nguy cơ xảy ra tình trạng khan hiến vaccine vào đầu năm tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một cuộc họp trực tuyến, ông Lauterbach đã thông báo cho bộ trưởng y tế các bang về nguy cơ thiếu vaccine ở Đức vào đầu năm tới. Ông cảnh báo, kết quả kiểm kê cho thấy tình hình trở nên vô cùng khó khăn bởi Đức sẽ thiếu một lượng đáng kể vaccine trong năm tới.
Theo kênh NTV, Đức hiện còn 15 triệu liều vaccine dành để phân bổ cho các phòng khám và sẽ có thêm 18 triệu liều từ nay tới cuối năm. Tuy nhiên, nếu tốc độ tiêm chủng hiện nay được đẩy mạnh hơn nữa vào đầu năm 2022 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vaccine trong 3 đến 4 tuần.
Bộ trưởng Lauterbach cho biết, chính phủ tiền nhiệm đã đặt mua quá ít vaccine cho toàn bộ quý I/2022 và lượng vaccine sẽ không đủ cho chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Theo ông, Đức sẽ thiếu vaccine trong tháng 1/2022, thời điểm vốn được coi là rất quan trọng đối với chiến dịch tiêm mũi tăng cường, trong khi tình hình cũng ít được cải thiện trong tháng 2 và tháng 3.
Hãng dược BioNTech dự kiến sẽ bàn giao cho Đức 2 triệu liều vaccine trong nửa cuối tháng 12, tiếp đó là 1,2 triệu liều trong tuần đầu tiên của Năm mới.
Trong khi đó, hãng Moderna có thể chuyển cho Đức 10 triệu liều (dành cho mũi tăng cường) mỗi tuần, song tới tuần thứ hai, thứ ba và thứ 4 trong tháng 1/2022, Moderna chỉ có thể cung cấp tổng cộng 3,6 triệu liều/tuần.
Thông tin trên đã khiến gây bất ngờ cho bộ trưởng y tế các bang khá bất ngờ trong bối cảnh các tranh luận hiện nay về việc tiêm chủng đang rất "nóng" cũng như những quan ngại liên quan tới biến thể mới Omicron.
Theo các nhà khoa học, việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết để giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch trước các biến thể. Bộ trưởng Y tế liên bang Lauterbach cho biết sẽ đích thân liên hệ với các nhà sản xuất BioNTech và Moderna để đẩy mạnh việc mua vaccine tiêm chủng cho đầu năm tới.
[Italy quy định các nhóm bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19]
Trong khi đó tại Đức đang có những tranh luận và cách áp dụng không giống nhau ở các bang về thời hạn tiêm mũi tăng cường.
Trong khi tại một cuộc họp mới đây, chính quyền trung ương và các bang nhất trí tiêm mũi tăng cường sau đủ 6 tháng kể từ khi hoàn thành mũi tiêm thông thường, bang Berlin lại cho phép tiêm sau khi tiêm mũi thứ hai được 5 tháng.
Cá biệt, chính quyền bang Nordrhein-Westfalen ngày 14/12 thông báo sẽ cho tiêm mũi tăng cường chỉ sau 4 tuần đã tiêm đủ hai mũi. Quyết định của bang miền Tây nước Đức này đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia.
Theo quan điểm của các nhà miễn dịch học, việc tiêm phòng nhắc lại chỉ sau 4 tuần sẽ không có ý nghĩa gì. Hiệp hội Miễn dịch học Đức nêu rõ 4 tuần sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai, một số quá trình miễn dịch nhất định vẫn chưa hoàn thiện và do đó việc tăng cường miễn dịch của cơ thể sẽ kém hiệu quả.
Giáo sư Carsten Watzl, Tổng thư ký Hiệp hội Miễn dịch học của Đức cho rằng nên tách biệt việc Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho "một số đối tượng" chỉ sau 4 tuần. Theo ông Watzl, quy định này chỉ áp dụng cho những người có hệ thống miễn dịch yếu, những người không phản ứng hoặc hầu như không phản ứng với hai mũi tiêm đầu.
Ông cho rằng quy trình để hình thành hệ miễn dịch sau khi tiêm đủ 2 mũi sẽ chưa thể hoàn thiện chỉ sau 4 tuần, bởi phải cần có thời gian để các tế bào huyết tương sản xuất đủ kháng thể và tế bào T phải được hình thành....
Theo ông, quyết định được đưa ra có lẽ là do những lo ngại về biến thể Omicron, song điều này là không phù hợp và theo quan điểm miễn dịch học, 4 tháng là thời gian tối thiểu để có thể tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học của Đức, Giáo sư Christine Falk, cũng coi việc rút ngắn thời gian cho việc tiêm mũi tăng cường là sai lầm vì hệ miễn dịch vẫn cần thời gian để có thể tự "trưởng thành."
Theo bà Falk, nếu thúc đẩy quá trình hình thành miễn dịch quá sớm bằng cách tiêm mũi thứ ba sẽ gây xáo trộn quá trình hơn là hỗ trợ việc hình thành kháng thể. Ngoài ra, nồng độ kháng thể ở mức cao nhất sau 4 tuần và việc tiêm mũi thứ ba đúng thời điểm này sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Cũng liên quan việc tiêm chủng ở Đức, các bộ trưởng y tế liên bang và các bang đã nhất trí sẽ không bắt buộc người đã tiêm mũi tăng cường được 15 ngày (thời gian để vaccine phát huy đầy đủ hiệu quả) phải tiến hành xét nghiệm khi vào các nơi/sự kiện cần quy tắc 2-G plus (đã tiêm, đã khỏi vẫn cần xét nghiệm). Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với các cơ sở y tế hoặc nhà dưỡng lão./.