Đức kêu gọi gia hạn kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen

Về vấn đề người di cư, Thủ tướng Đức kêu gọi tiếp tục gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên EU trong khu vực tự do đi lại Schengen, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 11.
Đức kêu gọi gia hạn kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 29/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc họp báo quan trọng, đề cập đến nhiều chủ đề đang được dư luận trong nước và thế giới quan tâm.

Tại cuộc họp báo mùa Hè, Thủ tướng Merkel nêu ra một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề chính trị tại quốc gia láng giềng Ba Lan, quan hệ với Nga và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine cũng như quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Về vấn đề người di cư được đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Merkel kêu gọi tiếp tục gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực tự do đi lại Schengen, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới.

Bà Merkel cho biết sẽ thảo luận vấn đề trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker ngày 30/8 tới.

[Xuất hiện tuyến đường di cư qua biển mới đến châu Âu]

   

Khu vực tự do đi lại Schengen gồm 22 nước EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ đã sụp đổ sau khi khoảng 1,5 triệu người tị nạn và di cư đến EU trong năm 2015 và 2016, khiến liên minh này gặp nhiều khó khăn.

Áo, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy (không phải thành viên EU) là những nước đầu tiên áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới từ năm 2015, khi làn sóng người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu.

Kể từ năm 2015 đến nay, Đức đã cho phép hơn 1 triệu người nhập cư xin tị nạn và với quyết định này, Thủ tướng Merkel đã phải chịu nhiều áp lực từ các phe phái phản đối cũng như ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà.

Cuộc họp báo trên của Thủ tướng Merkel diễn ra trong bối cảnh chỉ chưa đầy một tháng nữa là đến cuộc tổng tuyển cử tại Đức.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel được 38% cử tri ủng hộ, so với tỷ lệ 22% của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục