Đức kêu gọi thúc đẩy các cuộc thảo luận về hòa bình Ukraine

Thủ tướng Đức cho rằng những cuộc thảo luận quốc tế về hòa bình cho Ukraine được tổ chức ở cấp các cố vấn chính sách ngoại giao là "rất đặc biệt," quan trọng và mới chỉ bắt đầu.
Đức kêu gọi thúc đẩy các cuộc thảo luận về hòa bình Ukraine ảnh 1Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hoan nghênh hội nghị bàn về kế hoạch hòa bình Ukraine mới được Saudi Arabia tổ chức đồng thời kêu gọi tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để tìm cách chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Hội nghị diễn ra cuối tuần trước tại thành phố Jeddah, với sự tham dự của các đại biểu đến từ khoảng 40 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ.

Nga không tham dự hội nghị này.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF (Đức), Thủ tướng Scholz cho rằng nên tiếp tục những cuộc thảo luận như hội nghị ở Saudi Arabia.

Trước đó, những cuộc thảo luận quốc tế về hòa bình cho Ukraine cũng đã diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch) hồi tháng Sáu.

Thủ tướng Đức cho rằng những hội nghị như vậy được tổ chức ở cấp các cố vấn chính sách ngoại giao là "rất đặc biệt," quan trọng và mới chỉ bắt đầu.

[Nga nêu điều kiện đạt giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine]

Về vấn đề hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, ông Scholz cho biết Đức đang là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ 2 cho Kiev, chỉ sau Mỹ.

Tại hội nghị, Ukraine tìm kiếm sự ủng hộ dành cho kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm mà Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các Nền kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu Thế giới (G20) hồi tháng 11/2022.

Sau hội nghị, Kiev thể hiện "hài lòng" với kết quả trong khi nước chủ nhà Saudi Arabia khẳng định các đại biểu tham dự hội nghị đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tham vấn quốc tế và trao đổi quan điểm, theo cách góp phần xây dựng nền tảng chung mở đường cho hòa bình tại Ukraine.

Về phần mình, Nga cho rằng các nước phương Tây và Ukraine đang nỗ lực thúc đẩy cái gọi là công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng điều này thực chất không liên quan đến giải pháp hòa bình mà là "tối hậu thư" đối với Nga.

Ngày 10/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cũng cho biết các đối tác của Nga trong Nhóm các nền Kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đưa ra những đề xuất về giải pháp cho cuộc cuộc xung đột hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục