Ngày 26/9, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) thông báo nước này sẽ đình chỉ việc cấp tín dụng hỗ trợ phát triển cho Trung Quốc từ năm 2026 và các khoản tín dụng cấp mới tới thời điểm này phải phục vụ mục đích bảo vệ khí hậu và môi trường.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo của BMZ cho biết từ năm 2010, Đức đã không còn coi Trung Quốc là quốc gia đang phát triển.
Giữa tháng 9 này, BMZ đã thông báo cho Bộ Tài chính Trung Quốc về quyết định của Chính phủ liên bang Đức liên quan việc ngừng cấp các khoản vay hỗ trợ phát triển cho nước này.
[Đức kêu gọi sự cạnh tranh công bằng khi đầu tư ở Trung Quốc]
Cụ thể, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Bộ Tài chính Trung Quốc chỉ có thể ký các dự án cho vay hỗ trợ phát triển đến năm 2025 và các dự án này phải có tác động trong lĩnh vực khí hậu và môi trường.
Theo BMZ, là một nền kinh tế phát triển, Trung Quốc có khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế và có thể được tái cấp vốn với những điều kiện thuận lợi.
Từ năm 2013-2022, Đức đã ký với Trung Quốc các khoản vay hỗ trợ phát triển có tổng trị giá 3,451 tỷ euro (3,6 tỷ USD) và không có thêm khoản nào được cấp trong năm 2023.
Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Svenja Schulze nêu rõ: "Chúng tôi không còn coi Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển. Hợp tác hiện tại với Trung Quốc tập trung hướng tới cái gọi là hàng hóa công cộng toàn cầu, như bảo vệ khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, trao đổi các tiêu chuẩn và quy định trong hợp tác phát triển và hợp tác vì lợi ích của các nước thứ ba."
Bà Schulze khẳng định Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng trong nỗ lực vượt qua các cuộc khủng hoảng toàn cầu./.