Đức sẽ trục xuất gấp đôi số người tị nạn trong năm 2016

Điều phối viên của Chính phủ liên bang về chính sách người tị nạn, ông Peter Altmaier đã yêu cầu các bang cần tăng gấp đôi số trường hợp người tị nạn bị trục xuất khỏi Đức.
Đức sẽ trục xuất gấp đôi số người tị nạn trong năm 2016 ảnh 1Người tị nạn ở trong những khu lều tạm tại Idomeni, biên giới Hy Lạp-Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức có kế hoạch trục xuất gấp đối số người tị nạn trong năm 2016. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang còn tranh cãi do vấp phải khâu thủ tục để các bang có thể đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn.

Phát biểu với báo giới, Điều phối viên của Chính phủ liên bang về chính sách người tị nạn, ông Peter Altmaier đã yêu cầu các bang cần tăng gấp đôi số trường hợp người tị nạn bị trục xuất khỏi Đức.

Ông Altmaier cho biết trong năm 2015, cả nước Đức có 37.220 người tị nạn tự nguyện hồi hương và 22.200 trường hợp bị trục xuất. Ông cho rằng con số này phải tăng gấp đôi trong năm 2016.

Tuy nhiên, hiện các bang ở Đức cho rằng cấp liên bang phải có trách nhiệm đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ người tị nạn. Một số bang như Nordrhein-Westfalen lên tiếng chỉ trích quá trình xử lý hồ sơ người tị nạn quá chậm chạp, trong khi tình trạng dồn ứ hồ sơ người tị nạn tại Cục Di trú và Người tị nạn liên bang (BAMF) tiếp tục gia tăng.

Bộ trưởng Nội vụ bang Baden-Württemberg, ông Reinhold Gall, nhấn mạnh rằng số lượng người tị nạn bị trục xuất trước hết phụ thuộc vào sự sẵn sàng tiếp nhận của các nước mà người tị nạn ra đi, và điều này thuộc trách nhiệm của liên bang.

Từ lâu, Chính phủ Đức đã chủ trương đẩy nhanh việc trục xuất các trường hợp người tị nạn bị bác đơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện một số vấn đề, như việc các nước từ chối tiếp nhận lại công dân do thiếu giấy tờ, hoặc nguyên nhân về pháp lý khi có lệnh cấm trục xuất các trường hợp tị nạn do họ có thể bị truy bức, đánh đập hoặc tử hình khi về nước.

Sau Syria và Iraq, phần lớn người tị nạn tới Đức trong những tháng qua là từ Afghanistan. Hiện Chính phủ Đức và Afghanistan đang tích cực đàm phán về một thoả thuận tiếp nhận trở lại người Afghanistan, song khi thỏa thuận này chưa được ký kết, quốc gia Tây Nam Á này sẽ không tiếp nhận bất cứ trường hợp nào bị trục xuất từ Đức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục