Đức thận trọng với việc nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần của Daimler

Chính phủ Đức sẽ tiến hành xem xét một cách thận trọng việc doanh nghiệp sản xuất ôtô Geely của Trung Quốc chi ra khoảng 7,2 tỷ euro để mua 9,69% cổ phần của tập đoàn sản xuất ôtô Daimler của Đức.
Đức thận trọng với việc nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần của Daimler ảnh 1Biểu tượng của hãng Mercedes-Benz thuộc tập đoàn Daimler tại Stuttgart, Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chính phủ Đức sẽ tiến hành xem xét một cách thận trọng việc doanh nghiệp sản xuất ôtô Geely của Trung Quốc chi ra khoảng 7,2 tỷ euro để mua 9,69% cổ phần của tập đoàn sản xuất ôtô Daimler của Đức.

Thông tin này được bà Brigitte Zypries, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức, xác nhận trên tờ Stuttgarter Zeitung (báo Stuttgart) số ra ngày 26/2. Stuttgart cũng chính là nơi đặt trụ sở chính của Daimler, chủ sở hữu của thương hiệu ôtô danh tiếng Mercedes-Benz cùng nhiều thương hiệu ôtô khác.

Chính phủ Đức muốn xem xét liệu có vấn đề gì bất thường nếu đại diện của một đối thủ cạnh tranh, cụ thể là tỷ phú Lý Thư Phúc (Li Shufu) của doanh nghiệp sản xuất ôtô Geely, góp mặt trong ban lãnh đạo của Daimler.

[Doanh nghiệp sản xuất ôtô Trung Quốc dự định mua Fiat Chrysler]

Với khoản đầu tư kể trên, tỷ phú Lý Thư Phúc (Li Shufu) trở thành cổ đông cá nhân nắm giữ cổ phần nhiều nhất của Daimler. Hiện tại, khoảng 65% cổ phần của Daimler thuộc về các quỹ đầu tư của Đức và châu Âu, 22,8% thuộc về các nhà đầu tư Mỹ, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư châu Á và các nơi khác trên thế giới.

Trước đây, Chính phủ Đức cũng đã nhiều lần phải xem xét các thỏa thuận của nhà đầu tư Trung Quốc mua lại công ty hay doanh nghiệp Đức, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao có nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, quốc phòng.

Nhiều nhân vật hàng đầu thuộc chính phủ Đức, từ Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Matthias Machnig đến Ngoại trưởng Sigmar Gabriel và mới nhất là Thủ tướng Angela Merkel đều đã lần lượt lên tiếng cảnh báo làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Đức cũng như châu Âu có thể kèm theo những nguy cơ về tự do thương mại và an ninh, cũng như chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục