Đức, Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về căng thẳng ngoại giao

Ngoại trưởng Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau nhằm thảo luận về căng thẳng ngoại giao xung quanh việc Đức phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. 
Ngày 22/6, ngoại trưởng Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau bên lề hội nghị quốc tế về Syria tại Doha, Qatar, nhằm trao đổi quan điểm của hai bên liên quan đến những căng thẳng ngoại giao mới đây xung quanh việc Đức phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

[Căng thẳng giữa Đức và TNK liên quan tới vấn đề EU]

Cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu đại sứ của nhau trong một động thái "ăn miếng trả miếng," do vụ Ankara chỉ trích gay gắt việc Berlin cản trở nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ song phương, trong đó có những căng thẳng gần đây.

Theo bộ này, cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí xây dựng và hữu nghị, hai bên đã trao đổi trên tinh thần đối tác tất cả các vấn đề chưa được giải quyết, kể cả quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như quan hệ Đức/Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, cùng ngày, tại Ancara, Đại sứ Đức tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gặp Thứ trướng Ngoại giao nước này Feridun Sinirlioglu.

Trong cuộc họp các đại sứ EU ngày 20/6 để bàn về quỹ tài chính khu vực, Đức đã ngăn cản việc mở vòng đàm phán mới giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc nước này gia nhập EU. Chính quyền Đức cũng phê phán Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về cách xử lý cuộc biểu tình kéo dài hơn 3 tuần qua tại nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU với lý do diện tích và quy mô kinh tế của nước này sẽ là "gánh nặng" đối với EU.

Những động thái trên của Đức đã gây phản ứng mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cũng cảnh báo về các hành động trả đũa. Trong khi đó, nhiều nước EU ủng hộ khởi động lại vào tuần tới cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, vì cho rằng nền kinh tế phát triển nhanh, dân số trẻ và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Đông sẽ đem lại lợi ích cho EU. Theo Ngoại trưởng Italy Emma Bonino, đây không phải là thời điểm "đóng cửa" với Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục