Đức và Anh tham gia Sáng kiến Huấn luyện bay châu Âu của NATO

Việc Đức và Anh tham gia Sáng kiến Huấn luyện bay châu Âu sẽ góp phần hỗ trợ các đồng minh thực thi kế hoạch phòng thủ của mình vì hai nước này mang đến chương trình kỹ năng chuyên môn cao.
Đức và Anh tham gia Sáng kiến Huấn luyện bay châu Âu của NATO ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO về tăng cường phòng thủ tên lửa và phòng không của châu Âu, ở Brussels, Bỉ ngày 11/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sáng kiến Huấn luyện bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu (NFTE) có thêm hai thành viên mới tham gia là Đức và Anh.

Lễ ký kết đã diễn ra tối 11/10 tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Bistorius và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grand Shaps đã ký kết tham gia dự án trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder - nước đang điều hành chương trình NFTE.

Phát biểu tại lễ ký, Phó Tổng Thư ký NATO Mircea Geoana nhấn mạnh sáng kiến đa quốc gia này sẽ cho phép đào tạo phi công có thể thích ứng theo tiêu chuẩn cao nhất trên khắp châu Âu.

Điều này sẽ đảm bảo rằng các phi công quân sự được đào tạo bài bản trong cơ sở vật chất hiện đại, có khả năng tương tác cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn cho các nước.

[NATO tăng cường khả năng phòng không và tên lửa của châu Âu]

Việc Đức và Anh tham gia NFTE góp phần hỗ trợ các đồng minh thực thi kế hoạch phòng thủ của mình vì hai nước này sẽ mang đến chương trình kỹ năng chuyên môn cao.

Phó Tổng Thư ký Geoana cho biết mặc dù sáng kiến này có thể vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng đã có những kết quả đáng chú ý.

Kể từ đầu năm nay, số lượng cơ sở đào tạo của NFTE đã tăng hơn gấp đôi, với các cơ sở ở Séc, Hy Lạp, Hungary, Italy, bên cạnh cơ sở ở Bắc Macedonia. Quy mô đào tạo hiện có cũng tăng lên.

Sau khi tập trung ban đầu vào việc huấn luyện với máy bay chiến đấu, NFTE hiện đã cung cấp chương trình đào tạo cho các phi công lái máy bay phản lực nhanh và trực thăng. Đợt đào tạo thí điểm đầu tiên dự kiến sẽ được công bố trước cuối năm nay.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho rằng việc chia sẻ kinh nghiệm trong NFTE cho phép phát triển các giải pháp sáng tạo để khắc phục những hạn chế gặp phải, nâng cao năng lực đào tạo.

Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, cần phải tiếp tục thu hút thêm nhiều thành viên tham gia NFTE. Kinh nghiệm, khả năng và chuyên môn của Đức và Anh trong việc đào tạo phi công sẽ nâng cao đáng kể lợi thế của NFTE.

Ngoài hai nước nói trên, tham gia sáng kiến NFTE còn có các nước Bỉ, Séc, Hy Lạp, Hungary, Italy, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục