Để tăng cường phòng dịch, tại các địa phương, nhiều hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí đã tạm dừng hoạt động.
Tại tỉnh Hà Giang, bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan diện rộng và bùng phát cao, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, du khách và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc không tổ chức Lễ hội chợ tình Khau Vai 2020.
Chợ tình Khau Vai được tổ chức vào ngày 27/3 Âm lịch hàng năm tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao nguyên đá.
Tháng 10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu, góp phần thúc đẩy du lịch Hà Giang phát triển.
Những năm gần đây, lượng khách đến với Hà Giang ngày càng tăng. Chỉ riêng năm 2019, lượng khách đến Hà Giang đã đạt trên 1 triệu lượt người. Nguồn thu từ du lịch và dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28/1/2020 của Thu tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã có Công văn số 723/UBND-VHXH ngày 17/3/2020 về việc thay đổi thời gian tổ chức Hội thảo quốc tế về Công viên địa chất và các sự kiện, lễ hội của tỉnh trong tháng 4 và tháng 5/2020.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên vừa có công văn số 806 về việc tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim… trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ tạm thời đóng cửa nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng thiết yếu.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám cưới, đám hiếu; không tổ chức các nghi lễ và hoạt động có tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiến hành rà soát, bố trí đủ các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn; tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh huy động các khách sạn, resort, cơ sở lưu trú trên địa bàn làm cơ sở cách ly tập trung có thu phí và ưu tiên cách ly người nước ngoài tại các cơ sở này.
Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng và các địa phương tiến hành rà soát các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8/3/2020; yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Ngành chức năng xử lý nghiêm khắc các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly theo đúng quy định, cần thiết phải điều tra truy tố theo pháp luật.
[Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương hạn chế đại biểu để phòng COVID-19]
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 24/3, toàn tỉnh có 43 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 đã được cách ly, điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tỉnh Điện Biên đã thực hiện cách ly tập trung đối với công dân từ nước ngoài trở về, các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; trong số 496 trường hợp cách ly tập trung đã có 119 người đã hoàn thành thời gian cách ly.
Các trường hợp đang được cách ly, theo dõi sức khỏe đều có sức khỏe ổn định, không có triệu chứng bệnh.
Ngành chức năng tỉnh đã thực hiện giám sát cộng đồng, theo dõi, cách ly tại nhà hơn 1.420 trường hợp (tiếp xúc với người đi từ vùng dịch và các trường hợp đi từ nước ngoài về), trong đó 1.385 trường hợp đã qua 14 ngày theo dõi, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định.
Chiều 26/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản về việc tạm ngừng một số hoạt động từ 7 giờ ngày 27/3 đến hết ngày 30/4/2020 để phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, câu lạc bộ bida, sân golf, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc, các khu chợ đêm trên địa bàn tỉnh; nhà hàng, quán bia, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát với công suất phục vụ từ 20 người trở lên.
Tuy nhiên, tỉnh khuyến khích các hình thức đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tận nơi.
Các cơ sở chế biến suất ăn, bếp ăn tập thể của công nhân vẫn hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch cho người ăn theo hướng dẫn của ngành y tế, giảm số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng thời điểm.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ và hoạt động có tập trung đông người.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động quán bar, vũ trường, khả năng các nhóm thanh niên sẽ đổ về các địa điểm vui chơi giải trí, ăn uống ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Mặc dù đến ngày 26/3, Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Do đó, việc tạm dừng các địa điểm ăn uống, vui chơi giải trí, những khu vực tập trung đông người lúc này rất cần thiết để phòng dịch COVID-19.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (tụ điểm ca nhạc, câu lạc bộ hát với nhau, karaoke, trò chơi điện tử có kết nối internet, rạp chiếu phim, sân vận động, các hoạt động vui chơi, giải trí có tập trung đông người khác…); các di tích lịch sử-văn hóa, bảo tàng, thư viện, điểm du lịch, cơ sở xông hơi, mát-xa trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động kể từ 0 giờ, ngày 26/3 đến khi có thông báo mới.
Đồng thời, khuyến cáo người dân ít ra những nơi công cộng, hạn chế tối đa việc tập trung đông trên 50 người tại các đám cưới, đám hiếu...
Các sở ban, ngành chủ động phối hợp thực hiện tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 đối với người bệnh, người cao tuổi; triển khai ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI và các giải pháp bảo đảm công tác tiếp nhận người từ nước ngoài nơi có dịch về tỉnh, tổ chức cách ly tập trung theo quy định.
Đơn vị chức năng cung cấp thông tin nhà hàng, cửa hàng, địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí... đang hoạt động trên địa bàn; rà soát các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế và trang phục phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, đến ngày 25/3, địa bàn tỉnh chưa có trường hợp mắc COVID-19. Toàn tỉnh có tổng số 3.370 trường hợp được theo dõi, giám sát; trong đó, 2.960 người đã đủ thời gian theo dõi 14 ngày, 410 người đang theo dõi./.