Được mùa biển nhưng ngư dân vẫn kém vui do chi phí đi biển tăng

Được mùa biển nhưng thu nhập của ngư dân cũng không tăng lên, thậm chí giảm xuống do giá dầu diesel quá cao, tăng hàng chục triệu đồng mỗi chuyến đi biển xa bờ so với trước đây.
Được mùa biển nhưng ngư dân vẫn kém vui do chi phí đi biển tăng ảnh 1Ngư dân Quảng Trị đưa tàu ra khơi đánh bắt hải sản. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày qua, ngư dân tỉnh Quảng Trị được mùa biển, nhưng thu nhập từ mỗi chuyến biển không được cải thiện nhiều do chi phí tăng cao, nhất là giá dầu diesel đã lên mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, thời tiết nắng ấm trở lại sau mỗi đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống là biển lại có nhiều cá, tôm.

Những ngày này từ sáng sớm cho đến trưa, các bến cảng của Cảng cá Nam Cửa Việt ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong ngư dân tấp nập đưa tàu cập cảng.

Các tàu cá công suất lớn khai thác ở vùng biển xa trúng đậm mực nang, mực ống, cá chim. Tàu cá công suất nhỏ đánh bắt gần bờ thu được lượng lớn cá cơm, ghẹ, cá nục.

Hiện nay, các loại hải sản bán được giá khá cao và có đầu ra ổn định như: mực nang bán được từ 120.000-140.000 đồng/kg; mực ống từ 150.000-170.000 đồng/kg; cá nục từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Đáng chú ý ngư dân đánh bắt được lượng lớn cá cơm ngay từ đầu vụ khai thác loại cá này. Hiện nay, cá cơm có giá bán từ 14.000-17.000 đồng/kg, cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Được mùa cá cơm còn giúp nghề truyền thống hấp cá phơi khô ở vùng ven biển huyện Gio Linh hồi sinh, sau 2 năm gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Nghề này bắt đầu vào vụ từ tháng Ba và kết thúc vào tháng Chín hằng năm. Cá cơm còn tươi được đưa thẳng từ các tàu khai thác đến cơ sở hấp cá.

Sau đó, cá cơm được sơ chế để trên các vỉ lưới rồi cho vào lò hấp trong khoảng 5 phút thì mang ra phơi khô.

Khoảng 3kg cá cơm tươi sau khi hấp và phơi sẽ cho 1kg cá cơm khô thành phẩm có giá bán từ 70.000-80.000 đồng/kg.

[Giá nhiên liệu liên tiếp tăng cao gây khó cho ngư dân bám biển]

Huyện Gio Linh có trên 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô, tạo việc làm cho 2.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Mỗi năm, làng nghề chế biến khoảng gần 20.000 tấn cá biển, chủ yếu là cá cơm và cá nục cung ứng cho thị trường.

Theo ngư dân Bùi Văn Lập, những ngày qua ngư dân được mùa biển nhất kể từ đầu năm Nhâm Dần 2022 đến nay.

Tuy nhiên, được mùa biển nhưng thu nhập của ngư dân cũng không tăng lên, thậm chí giảm xuống do giá dầu diesel đã tăng quá cao. Giá các mặt hàng khác như: gas, đá lạnh, thực phẩm cũng tăng khiến chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng mạnh.

Theo tính toán của ngư dân, một tàu cá công suất lớn đi chuyến biển xa bờ từ 7-10 ngày hết khoảng từ 1.500-2.000 lít dầu diesel, cùng với chi phí khác thì mỗi chuyến biển hết gần 60 triệu đồng, tăng hàng chục triệu đồng so với trước đây.

Ngư dân Lê Văn Hà, 47 tuổi, huyện Triệu Phong cho biết giá dầu diesel ở mức 18.000 đồng/lít ngư dân đã bắt đầu gặp khó khăn khi đưa tàu vươn khơi.

Hiện nay, giá dầu loại này đã tăng lên trên 21.000 đồng/lít thì ngư dân đi biển phải thường xuyên được mùa và giá hải sản duy trì ở mức cao và ổn định mới có lãi.

Thời gian tới, nếu giá dầu tiếp tục tăng thì ngư dân không còn cách nào khác là để tàu cá nằm bờ.

Được mùa biển nhưng ngư dân vẫn kém vui do chi phí đi biển tăng ảnh 2Được mùa biển nên ngư dân đưa tàu ra khơi đánh bắt hải sản. (Ảnh: TTXVN)

Thu nhập từ mỗi chuyến biển có xu hướng giảm do chi phí tăng mạnh còn dẫn đến việc, ngày càng nhiều lao động không mặn mà với nghề đi biển. Do đó, lao động đi biển vốn đã thiếu, nay tình trạng này càng thêm trầm trọng hơn.

Ngư dân Võ Văn Thức chia sẻ thời gian gần đây, lao động trẻ tuổi ở vùng ven biển hầu như đã không còn theo nghề đi biển nữa mà đi đến các tỉnh, thành khác hoặc đi xuất khẩu lao động để có thu nhập cao và ổn định hơn.

Nhiều chủ tàu cá phải thuê lao động từ tỉnh khác, thậm chí thuê cả lao động chưa đi biển lần nào, ứng tiền trước và trả thêm tiền tàu xe để có lao động đi biển.

Nhằm giảm tác động từ giá dầu diesel và chi phí chuyến biển tăng cao, ngư dân đã đa dạng hóa nghề đánh bắt, vươn khơi theo tổ đội để hỗ trợ nhau đưa hải sản đánh bắt được về bờ, tập trung khai thác hải sản có giá trị cao.

Để khắc phục một phần tình trạng thiếu lao động đi biển, nhiều chủ tàu cá đã đầu tư vốn để mua sắm thêm máy tời, máy kéo lưới nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất công việc.

Năm 2022, tỉnh Quảng Trị phấn đấu khai thác được 27.500 tấn hải sản.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị Nguyễn Hoài Nam, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản; đồng thời, quyết liệt vận động, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Luật Thủy sản 2017 nhằm góp phần cùng với cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu đối với hàng thủy sản Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục