Đường dây 500 kV mạch 3: Đẩy nhanh cung cấp cột thép, đảm bảo tiến độ dự án

Tổng khối lượng cột thép theo yêu cầu cho 4 dự án mạch 3 là hơn 138.000 tấn, tuy vậy do nhu cầu lớn trong thời gian ngắn đã gây quá tải cục bộ đối với các đơn vị sản xuất cột thép trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì giao ban dự án đường dây 500 kV mạch 3. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì giao ban dự án đường dây 500 kV mạch 3. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đang triển khai đồng bộ các giải pháp, song tại Hội nghị giao ban định kỳ dự án đường dây 500 kV mạch 3 diễn ra chiều 23/4, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Các đơn vị phải kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị, đặc biệt là cung cấp cột thép đẩy nhanh tiến độ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án.

Áp lực cung cấp cột thép

Theo báo cáo của EVN, đến thời điểm hiện nay, Dự án đã hoàn thành bàn giao mặt bằng được 1.177/1.177 vị trí móng cột và 306/503 khoảng néo hành lang tuyến, còn 197/503 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng, trong đó, Hà Tĩnh còn 43/112 khoảng néo, Nghệ An còn 57/88 khoảng néo; Thanh Hóa còn 52/138 khoảng néo; Nam Định còn 24/54 khoảng néo; Thái Bình còn 11/47 khoảng néo; Hải Dương còn 5/31 khoảng néo và Hưng Yên còn 05/14 khoảng néo.

Dự án đã hoàn thành đúc móng được 769/1.177 vị trí. Đã bàn giao 331/1.177 vị trí cột thép. Hoàn thành lắp dựng 161/1177 cột thép; đang lắp dựng 115/1.177 cột thép.

Về cung cấp cột thép, đại diện EVN thông tin, tổng khối lượng cột thép theo yêu cầu cho 4 dự án mạch 3 là hơn 138.000 tấn, trong đó có 114.000 tấn sản xuất trong nước, 24.000 tấn nhập khẩu nước ngoài.

Qua khảo sát, tổng năng lực sản xuất khai báo của các đơn vị trong nước đạt khoảng 321.000 tấn/năm, tương đương 26,75 ngàn tấn/tháng, thấp hơn so với công suất yêu cầu của Dự án mạch 3 là 32,6 nghìn tấn/tháng. Ngoài ra các đơn vị cũng đang phải sản xuất cho các đơn hàng khác. Như vậy với nhu cầu cột thép rất lớn trong thời gian ngắn đã gây quá tải cục bộ đối với các đơn vị sản xuất cột thép trong nước.

Anh1ChutichEVNkitrma1742024.jpg
Lãnh đạo EVN kiểm tra tình hình cung cấp cột thép của nhà thầu Việt Vương. (Ảnh: evn)

Ngoài ra một số chủng loại thép khổ lớn, thép cường độ cao (như SS540) nguồn cung trong nước không đủ, nên phải nhập từ nước ngoài. Đặc biệt là thép ống phải nhập ngoại 100%. Việc nhập khẩu nguyên liệu thép từ nước ngoài cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ sản xuất, cung cấp cột thép.

Trước các vấn đề trên, đại diện EVN cho biết đã đôn đốc các nhà thầu khẩn trương mua sắm các nguyên vật liệu đầu vào, lắp đặt bổ sung dây chuyền sản xuất, tăng cường nhân lực, thực hiện gia công chế tạo 3 ca 4 kíp, 24/7, đồng thời xem xét các nhà thầu quá tải, chậm tiến độ thì đề nghị bổ sung thêm các nhà thầu phụ có năng lực để đẩy nhanh tiến độ sản xuất và cung cấp cột.

Nêu thêm một số vướng mắc, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho hay, mặc dù người dân đã đồng thuận về chủ trương hỗ trợ tái định cư, song nhiều ý kiến cũng mong muốn nâng tiền hỗ trợ đối với tài sản đền bù khi triển khai dự án. Ngoài ra, ông đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các huyện bố trí kinh phí phục vụ cho công tác vận động các hộ bị ảnh hưởng bởi việc bàn giao hành lang tuyến.

Còn theo bà Hà Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, tỉnh đã chỉ đạo và các huyện đã tiến hành kiểm đếm, công khai phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cơ bản các hộ dân đồng tình với phương án đó.

“Nam Định kiến nghị các bộ, ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đây là cơ sở để tỉnh có phương án với những hộ dân không đồng thuận còn có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đồng thời đề nghị EVN/EVNNPT hỗ trợ, phối hợp với tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo thuận lợi,” bà Hà Thị Lan Anh bày tỏ.

Trong khi đó, ông Lương Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương nêu khó khăn trong việc cưỡng chế đất ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, do vướng quy định của Luật đất đai, do vậy cần sớm ban hành quy định nhằm tháo gỡ điểm nghẽn này.

Sớm hoàn thành khung chính sách bồi thường

Đánh giá của Bộ Công Thương tại cuộc họp cho thấy, trong hai tuần vừa qua, mặc dù công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến và công tác thi công đã có chuyển biến nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, việc bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đã không thể hoàn thành trước ngày 15/4/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cụ thể, toàn tuyến mới bàn giao được 306/503 khoảng néo, đạt khoảng 61%, tăng 54 khoảng néo (10,73%) so với cuộc họp giao ban ngày 09/4. Hiện còn 197/503 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh đó, công tác cung cấp vật tư, thiết bị và thi công cũng gặp nhiều khó khăn như: một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng, công tác thi công vẫn gặp nhiều khó khăn do địa hình, địa chất phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp, đường vào thi công nhỏ khó vận chuyển vật tư, thiết bị nặng.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên nếu không kịp thời xử lý dứt điểm sẽ có nguy cơ làm chậm tiến độ hoàn thành các dự án. Do vậy, tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành sớm có ý kiến thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2024 để Chủ đầu tư có đủ căn cứ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

e73964c48811264f7f00.jpg
Đại diện các bộ, ngành thông tin về việc triển khai dự án. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cùng đó, ông Diên yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh các có dự án đi qua tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở ngành, các huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao các khoảng néo còn lại để Chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây dẫn (dự kiến bắt đầu từ ngày 26/04/2024), đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột và hàng lang an toàn trong tháng 4/2024 để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với EVN/EVNNPT, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và công tác thi công.

“Tiếp tục bám sát Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2024,” Bộ trưởng lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục