"Đường du lịch sinh thái" mở ra cơ hội cho 3 nước

Việc Lào, Thái Lan và Việt Nam hợp tác phát triển tuyến đường 8 và 12 như là con đường “du lịch sinh thái” sẽ mở ra cơ hội to lớn.
Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Lào Vitavas Srivihok cho biết việc Lào, Thái Lan và Việt Nam đẩy mạnh kết nối, cùng hợp tác phát triển và sử dụng các tuyến đường số 8 và 12 như là con đường “du lịch sinh thái” sẽ mở ra những cơ hội rất to lớn.

Đại sứ Vitavas cho biết Thái Lan sẽ đưa chủ đề hợp tác trên ra bàn thảo với các quan chức Lào và Việt Nam, trong bối cảnh đường 8 và đường 12 rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vì có nhiều hang động, thác nước và những điều hấp dẫn khác dọc tuyến đường.

Ông cho rằng ba nước cần chú trọng khai thác điểm mạnh này hơn là xem đó là hai tuyến đường thương mại mới để cạnh tranh với đường 9.

Một nguồn tin trong ngành giao thông cho biết hàng hóa của Thái Lan vận chuyển tới Việt Nam qua Lào hiện đang gặp một số vấn đề, do Cục Hải quan Lào coi những hàng hóa này như là các mặt hàng nhập khẩu để tái xuất vì vậy phải chịu mức thuế cao hơn.

Còn hàng hóa được vận chuyển qua đường 9 được xử lý khác hẳn vì chúng được đề cập trong Hiệp định vận chuyển qua biên giới theo khuôn khổ khung hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và có biểu thuế xuất nhập khẩu thấp hơn. Điều đó làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường 8 và 12, cùng yêu cầu phải kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt hơn.

Tuyến đường 8 nối tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan với Tha Khak thuộc tỉnh Khammouane của Lào, trước khi nhập với tuyến đường 12 trên đất Lào và chạy tới Đồng Hới ở Việt Nam rồi sau đó nối với Trung Quốc. Tuyến đường 9 chạy từ Mukdahan (Thái Lan) qua Savannakhet (Lào) và nối với Đà Nẵng của Việt Nam.

Theo Đại sứ Vitavas, khi được đưa vào sử dụng dự kiến vào tháng 11/2011, chiếc cầu Thái-Lào thứ ba nối Nakhon Phanom với Khammouane sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch và thương mại trong vùng.

Điểm cần khắc phục là các địa điểm du lịch ở Việt Nam hiện chưa được gắn kết tốt với nhau trên hai tuyến đường. Tuy nhiên, Việt Nam đang thảo luận với Pháp về đề nghị xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lúc phía Thái Lan muốn tận dụng hành lang kinh tế để làm hành lang du lịch, khi Lào đang ở vị trí tốt nối liền một cách ngắn nhất với bốn nước Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc, Đại sứ Vitavas đề nghị các nước trong khu vực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch, coi đây là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng đói nghèo, khi rất nhiều người nước ngoài muốn đến thăm các nước châu Á trong cùng một tour, nhằm tiết kiệm tiền bạc và thời gian đi lại.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế thị thực thống nhất và hạ tầng cơ sở chung cùng với tổ chức gói du lịch đến ba hoặc năm quốc gia ở Đông Nam Á sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch.

Tại hội nghị trù bị cấp cao các tỉnh sử dụng đường 8 và 12 vừa diễn ra cuối tháng trước ở Đồng Hới, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh của Việt Nam, Bolikhamxai, Khammouane (Lào), Nakhom Phanom, Sakon Nakhom, Nongkhai (Thái Lan), hai tỉnh quan sát viên là Quảng Trị (Việt Nam) và Savanankhet (Lào) đã đánh giá kết quả đạt được trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, văn hóa, đồng thời đề xuất một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, khai thác tiềm năng của các địa phương sử dụng hai tuyến đường trên.

Tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khammouane trình Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào bổ sung hiệp định GMS ưu tiên đối với các tuyến đường qua cửa khẩu quốc tế giữa Lào và Việt Nam./.

Ngọc Tiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục