"Đường sắt vào trung tâm Hà Nội sẽ đi dưới lòng đất"

Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, Hà Nội sẽ sớm xây không gian ngầm với những quy hoạch, thiết kế hiện đại đưa thủ đô văn minh, hiện đại.
Nhân dịp 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam về công tác quy hoạch xây dựng thủ đô và những vấn đề liên quan.

[Hà Nội đạt nhiều thành tựu sau khi mở rộng địa giới]

Quy hoạch đi trước một bước

- Có thể thấy đô thị Hà Nội phát triển nhanh và quá tải. Vậy, quy hoạch của Hà Nội có phải “chạy theo” cuộc sống, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Hà Nội phát triển mạnh khiến người dân mọi miền hội tụ về sinh sống là một niềm tự hào. Tuy nhiên, dân số cơ học tăng nhanh, phần nào khó kiểm soát đã kéo theo “chiếc áo” đô thị vốn đã chật ngày càng chật chội hơn; gây ra sự quá tải về hạ tầng kiến trúc và hạ tầng xã hội ngày cành lớn, tạo nên nhiều áp lực cho chính quyền đô thị.

Nếu chúng ta nói quy hoạch xây dựng phải chạy theo sự phát triển, tôi thấy chưa chính xác. Trước khi sáp nhập, căn cứ vào quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ duyệt năm 1998, thành phố Hà Nội đã triển khai các loại đồ án từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết để làm cơ sở quản lý và phát triển thành phố Hà Nội.

Sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung, năm 2008 cũng là thời điểm Hà Nội được sáp nhập. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng với quy mô thành phố rộng lớn hơn 3,5 lần, với trên 700 dự án đã được các cấp có thẩm quyền của các tỉnh Hà Tây (cũ), tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội duyệt dự án hoặc được chấp thuận chủ trương trước khi sáp nhập….; phải sau hơn 2 năm rưỡi, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Có ý kiến cho rằng, có nơi do quy hoạch kém và không kịp thời nên khi giải phóng mặt bằng hết sức khó khăn, vậy mới có chuyện những con đường “đắt nhất thế giới” khi xây dựng. Ông có quan điểm như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Theo tôi, đánh giá như vậy, không hoàn toàn đúng; công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề vướng mắc và mất rất nhiều thời gian khi thực hiện một dự án. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện dựa trên 2 cơ sở chính là nguồn dữ liệu liên quan đến quản lý đất đai, địa chính (quyền sở hữu đất và nhà), quá trình xây dựng công trình trên đất, biến động đất đai… cho đến chính sách về đất đai của nhà nước có nhiều điểm chưa phù hợp, giá đất được xác định hàng năm…, do vậy, quy trình thực hiện công tác này thường kéo dài.

Câu chuyện con đường “đắt nhất thế giới” là một bài học để chính quyền thành phố rút kinh nghiệm khi lập kế hoạch triển khai biến ý tưởng trở thành hiện thực để đảm bảo hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư. Quy hoạch không gian vốn là môn khoa học tổng hợp của các lĩnh vực kỹ thuật, nghệ thuật, xã hội, kinh tế, nhân văn…; quy hoạch thực chất là công tác dự báo cho thời gian ngắn hạn hay dài hạn; chính vì vậy, khi dự báo không dựa trên cơ sở dữ liệu, tài liệu, các quy định về thể chế thì quy hoạch đó sẽ khó khả thi, duy ý chí. Trong khi đó kinh nghiệm và trình độ quản lý đô thị của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung còn thiếu, thể chế thiếu đồng bộ.

Sẽ có không gian ngầm hoàn chỉnh

- Việc phát triển không gian ngầm là xu thế tất yếu của phát triển đô thị để giảm tải ùn tắc, cũng như xây dựng đô thị văn minh. Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Nội dường như còn nhiều "khoảng trắng." Vậy, thành phố Hà Nội đã có định hướng chiến lược vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Không gian ngầm hết sức quan trọng đối với đô thị đông dân cư, nhưng lĩnh vực này Hà Nội vẫn đang yếu. Không gian ngầm của Hà Nội mới chỉ phục vụ hạ tầng kỹ thuật đường điện, đường cấp thoát nước… Thành phố đã thấy được đây là vấn đề cấp thiết, cũng đã có nhiều hợp tác, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư trong ngoài nước để phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua các văn bản quy định về lĩnh vực này còn hạn chế, là rào cản rất lớn khi triển khai.

Mới đây có rất nhiều văn bản quy định của Bộ Xây dựng đang là cơ hội mở ra cho Hà Nội bắt tay sớm xây dựng không gian ngầm với những quy hoạch, thiết kế bài bản, tổng thể, hiện đại đưa thủ đô văn minh, hiện đại, giảm động cơ, tiếng ồn, ô nhiễm, tắc đường khu vực nội đô.

Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt, trong đó có nhiều tuyến đã xây dựng. Để tận dụng không gian ngầm và tiết kiệm kinh phí đền bù khu vực phố cổ, các tuyến đường sắt vào trung tâm chủ yếu đi dưới lòng đất. Tới đây, bên cạnh các nhà ga ngầm, các đầu mối giao thông ngầm, thành phố chú trọng vào xây dựng liền kề các trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi, bãi đỗ xe…

- Hiện nay vẫn còn những đồ án quy hoạch chi tiết chưa bảo đảm, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh nhiều lần, cá biệt có quy hoạch chưa được thực hiện đã phải điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch ban đầu. Theo ông nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết có nhiều nguyên nhân, không phải điều chỉnh nào cũng là sai. Bản chất của quy hoạch là dự báo, công tác dự báo lại chưa lường hết được nên khi thực hiện phải điều chỉnh cho hợp lý.

Hầu hết những quy hoạch phải điều chỉnh đều xuất phát từ những đồ án quy hoạch được lập khi chưa xác định nhà đầu tư, hay nói cách khác là nguồn lực thực hiện chưa có. Do vậy, những đồ án quy hoạch không khả thi và chưa đạt chất lượng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của quá trình đô thị hóa quá nhanh, nhằm huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và của nhà đầu tư.

- Vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm là một số chủ đầu tư khi xây dựng các khu đô thị không tuân thủ theo quy hoạch, thiếu các công trình công cộng như nhà văn hóa, trường học... Vậy, thành phố chỉ đạo về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Khi lập và phê duyệt quy hoạch các khu dân cư đều đảm bảo quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi… và hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, do chưa giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị nên các khu đô thị đầu tư chưa được đồng bộ theo quy hoạch được duyệt; đồng thời chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những doanh nghiệp vi phạm tiến độ thực hiện dự án.

Có những khu đô thị có trường dân lập nhưng thiếu trường công lập, nên con em người thu nhập thấp không thể theo học được, đã gây ra bức xúc cho nhân dân. Hội đồng Nhân dân Thành phố đã lập các đoàn giám sát, có những đánh giá sát thực, giúp chính quyền Thành phố chỉ đạo các ngành và chính quyền các cấp rà soát, tăng cường công tác giám sát hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn, tham mưu đề xuất Thành phố chỉ đạo để thực hiện hoàn chỉnh đồng bộ các khu đô thị theo quy hoạch được duyệt; tạo cuộc sống ổn định cho người đân tại các khu đô thị mới và các khu tái định cư.

Hoàn thành khối lượng quy hoạch đồ sộ

- Xin ông cho biết, sau 5 năm mở rộng thủ đô, điểm nổi bật nhất trong công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội là gì?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Khối lượng công việc quy hoạch 5 năm qua quả là rất đồ sộ và nhiều vô kể. Sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011, thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch nông thôn mới cho 401 xã; lập trên 70 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung các huyện, các thị trấn sinh thái, các đô thị vệ tinh; nghiên cứu hàng chục đồ án quy hoạch chi tiết, đồ án thiết kế đô thị; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị toàn thành phố và các khu vực đặc thù; các quy hoạch ngành: giao thông, thủy lợi, điện, nước, rác thải, nghĩa trang….

Có thể nói, nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm qua và trong thời gian tới là phê duyệt các đồ án nêu trên làm cơ sở để lập các dự án, từng bước biến quy hoạch chung thủ đô trở thành hiện thực.

- Xin ông cho biết, khi sáp nhập địa giới, lãnh đạo Thành phố đã quan tâm như thế nào cho quy hoạch những vùng ngoại thành của tỉnh Hà Tây (cũ)?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Từ cuối tháng 01/2011, trong khi trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô; thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức triển khai lập nhiệm vụ và nghiên cứu ngay 17 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại các khu vực giáp ranh của Hà Nội với tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh làm cơ sở để rà soát, phân loại 700 dự án đã được xác định trước khi sáp nhập; đến nay, trên 10 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được thành phố phê duyệt, làm cơ sở đưa các dự án phù hợp với quy hoạch chung khởi động trở lại.

- Ông cho biết, thời gian qua và tới đây công tác quy hoạch cần quan tâm vấn đề nào nhất? Vấn đề nào đang tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ nhất?

Ông Nguyễn Thế Thảo: Hiện nay, thành phố đang tập trung làm tốt việc lập quy hoạch và quản lý trật tự đô thị, giao thông, xây dựng. Muốn vậy, phải cải cách hành chính và siết lập kỷ cương hành chính.

Còn lĩnh vực quy hoạch thì nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ là hết sức cần thiết. Chúng ta đang rất muốn phân cấp quy hoạch cho cơ sở, cho quận huyện, nhưng nhân lực quá hạn chế, vừa mỏng lại vừa yếu nên không thể nóng vội đốt cháy giai đoạn./.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Văn Cảnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục