ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng Năm

Nhiều nhà phân tích nhận định khả năng ECB sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 4/5 tới, do lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang chậm lại với triển vọng ổn định.
ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng Năm ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở thành phố Frankfurt (Đức). (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Các nhà phân tích đang tranh cãi liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất với mức nào khi lạm phát vẫn cao vượt mục tiêu và thị trường biến động, khi ngân hàng này được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 4/5 tới.

Kể từ tháng Bảy năm ngoái, khi giá năng lượng và lương thực tăng vọt sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, ECB đã tăng lãi suất 350 điểm cơ bản.

Điều đang gây tranh cãi là ECB sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản như tại các cuộc họp trước, hay sẽ chỉ tăng 25 điểm cơ bản.

Nhiều nhà phân tích hiện nghiêng về khả năng tăng 25 điểm cơ bản, trong bối cảnh lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang chậm lại với triển vọng ổn định.

Kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,1% trong quý 1 năm nay - theo số liệu công bố tuần trước.

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho rằng mức tăng trưởng này, dù thấp, cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế Eurozone trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Dù vậy, một số số liệu sẽ được công bố vào ngày 2/5, trong đó có ước tính lạm phát tháng Tư, có thể làm thay đổi các tính toán.

Hai khả năng tăng 25 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản đều đang được cân nhắc, nhưng khả năng thứ nhất sẽ được ủng hộ nhiều hơn - theo nhà kinh tế Carsten Brzeski tại ING. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất có thể mạnh hơn nếu lạm phát cao hơn dự kiến.

Giá tiêu dùng tại Eurozone tăng 6,9% trong tháng Ba vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất trong một năm và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% hồi tháng 10/2022.

Tuy nhiên, các quan chức ECB lo ngại lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và lương thực, vẫn ở mức cao.

[ECB không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất]

Hiện ECB đang áp dụng lãi suất ở mức 3-3,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.

Giới chuyên gia cho rằng ECB không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù động thái này gây thêm tổn thương tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để kiểm soát giá cả.

Hôm 28/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng kêu gọi các ngân hàng trung ương ở châu Âu duy trì tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Có nhiều ví dụ trước đây cho thấy các nhà hoạch định chính sách tạm dừng việc tăng lãi suất để rồi lại cần đến nỗ lực tăng lần thứ hai nhằm giảm lạm phát, gây tổn hại hơn nữa đối với nền kinh tế - Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IMF Alfred Kammer phát biểu trước báo giới tại Stockholm (Thụy Điển).

Ông Kammer cho rằng đối với ECB, ngân hàng này cần duy trì tăng lãi suất đến giữa năm 2024 nhằm đưa lạm phát xuống mức mục tiêu vào năm 2025.

Hồi giữa tháng này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn bày tỏ sự lạc quan về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng kinh tế thế giới sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay.

Phát biểu trong chương trình truyền hình của đài CBS (Mỹ) ngày 16/4, bà Lagarde cho biết các dự báo kinh tế ở thời điểm hiện tại mặc dù đã giảm nhẹ mức đánh giá, nhưng vẫn tích cực và nhìn chung, nền kinh tế vẫn đang phục hồi.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB thừa nhận cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ, cũng như tình trạng lạm phát tăng cao là những yếu tố gây bất ổn cho đà phục hồi này.

Theo các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng sẽ thận trong hơn trong hoạt động cho vay sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng Ba vừa qua. Xu hướng này đang làm gia tăng những lo ngại về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng.

Vào cuối tháng Ba, Chủ tịch Bundesbank - Ngân hàng Trung ương Liên bang Đức - ông Joachim Nagel nhận định hệ thống tài chính Eurozone đã phục hồi sau thời gian biến động.

Ông Nagel nêu rõ đã có rất nhiều bất ổn liên quan các ngân hàng nhưng đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính, và tình hình đã tốt lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục