Các nhà lãnh đạo các nước trong Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 12/8 đã cân nhắc các động thái tiếp theo khi khối này tìm cách lật ngược cuộc đảo chính quân sự ở Niger đã làm rung chuyển khu vực song cũng tạo ra một làn sóng ủng hộ trong nước.
ECOWAS hôm 10/8 đã quyết định kích hoạt một lực lượng đặc nhiệm tập hợp quân từ khắp khu vực để có thể can thiệp quân sự nhằm đảo ngược cuộc đảo chính thứ 7 ở Tây và Trung Phi trong 3 năm qua.
Tổng Tham mưu trưởng quân đội các quốc gia thuộc ECOWAS dự kiến sẽ nhóm họp trong những ngày tới.
Hiện vẫn chưa rõ lực lượng ECOWAS sẽ mất bao lâu để tập hợp, quy mô của lực lượng này ra sao và liệu lực lượng này có can thiệp vào Niger hay không.
ECOWAS nhấn mạnh rằng tất cả các lựa chọn đều được đưa ra thảo luận và họ hy vọng sẽ có một giải pháp hòa bình.
[Liên minh châu Phi ủng hộ quyết định của ECOWAS trong vấn đề Niger]
Các nhà phân tích an ninh cho biết lực lượng này có thể mất vài tuần để thành lập và có khả năng sẽ còn chỗ cho các cuộc đàm phán.
Trước đó, ngày 6/8, chính quyền quân sự Niger thông báo đóng cửa không phận của quốc gia Tây Phi này, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm không phận nước này sẽ gặp phải “sự đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức.”
Trong một tuyên bố, chính quyền quân sự Niger nêu rõ: “Phải đối mặt với mối đe dọa về sự can thiệp, vốn đang ngày càng trở nên hiện hữu thông qua sự chuẩn bị của các quốc gia láng giềng, không phận của Niger đóng cửa kể từ ngày 6/8... đối với tất cả các máy bay cho đến khi có thông báo mới.”
Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Liên hợp quốc đều cho biết họ ngày càng lo lắng về tình hình giam giữ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk hôm 11/8 cho biết các điều kiện sinh hoạt của ông Bazoum đang "xấu đi nhanh chóng" và có thể vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
Hồi tháng trước, quân đội Niger đã bỏ tù Tổng thống Mohamed Bazoum và lên nắm quyền, khiến các cường quốc lên án và làm dấy lên nỗi ám ảnh về cuộc xung đột tiếp theo ở khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi vốn đã bị giày xéo bởi một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo gây nhiều chết chóc./.