EP yêu cầu các nước Liên minh châu Âu tiếp nhận người di cư

Dòng người di cư quá lớn đã gây quá tải đối với hoạt động tiếp nhận cũng như khả năng đảm bảo an ninh và dẫn tới một làn sóng phản đối nhập cư trên toàn khối.
EP yêu cầu các nước Liên minh châu Âu tiếp nhận người di cư ảnh 1Người di cư vượt Địa Trung Hải tìm đường tới châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/4, Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU), đã bỏ phiếu nhằm yêu cầu các nước thành viên tiếp nhận một số lượng người di cư và tị nạn tới khối trong những giai đoạn cao điểm. Quy định này nằm trong khuôn khổ cuộc cải cách gây tranh cãi trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm 2024.

EP đã thông qua quan điểm về việc cải cách các quy định của EU liên quan tới di cư và tị nạn trước khi đàm phán về định dạng cuối cùng của quy chế điều chỉnh này với 27 nước thành viên vốn đã chia rẽ từ lâu vì hạn ngạch phân bổ người di cư mà các nước buộc phải tiếp nhận.

Tuy nhiên, một số quốc gia trong đó có Ba Lan và Hungary từ chối tiếp nhận bất kỳ dòng người di cư mới nào. Các nước khác trong đó có Italy và Pháp nhấn mạnh họ không thể đơn phương giải quyết vấn đề này.

Ba Lan, Hungary và các đồng minh cho biết họ có thể giúp giải quyết vấn đề người di cư bằng cách đóng góp tài chính, bố trí nhân lực hoặc trang thiết bị thay vì buộc phải tiếp nhận người di cư theo quy định của EP.

Các quốc gia Địa Trung Hải có người di cư đặt chân tới và các nước giàu có như Đức cũng tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người di cư.

[EC giữ nguyên kế hoạch hành động về người di cư tại Địa Trung Hải]

Hệ thống quản lý người di cư và tị nạn của EU đã sụp đổ vào năm 2015 khi hơn 1 triệu người - phần lớn trốn chạy khỏi xung đột tại Syria - đã tràn sang các bờ biển khu vực Nam Âu. Dòng người di cư quá lớn đã gây quá tải đối với hoạt động tiếp nhận cũng như khả năng đảm bảo an ninh và dẫn tới một làn sóng phản đối nhập cư trên toàn khối.

Kể từ đó, EU siết chặt các khu vực biên giới ngoài khối, thắt chặt quy định về tị nạn nhằm hạn chế tình trạng này. Vấn đề người di cư và nhập cư đã lu mờ trong chương trình nghị sự của khối khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến các nước đóng cửa biên giới, từ đó giảm bớt tình trạng di cư toàn cầu.

Tuy nhiên, dòng người di cư trái phép qua ngả Địa Trung Hải đã tăng mạnh trở lại vào năm ngoái, lên tới 330.000 người theo ghi nhận của Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex).

Liên quan đến vấn đề dư cư, tuyên bố từ Hải quân Maroc ngày 20/4 cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này đã giải cứu 552 người di cư đang cố gắng tìm đường đến châu Âu trong hơn 10 ngày qua ở cả Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Tuyên bố của Hải quân Maroc có đoạn: “Lực lượng bảo vệ bờ biển của Hải quân Vương quốc (Maroc) hoạt động ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương đã giải cứu 552 người di cư bất hợp pháp thuộc các quốc tịch khác nhau trong giai đoạn từ ngày 8 đến 18/4”. Đa phần những người di cư đến từ các quốc gia châu Phi cận Sahara.

Theo tuyên bố, nhiều người đã cố gắng vượt biển bằng những chiếc thuyền tạm bợ, ca nô, ván trượt phản lực và “thậm chí là bơi.”

Maroc là quốc gia trung chuyển của nhiều người di cư đang cố gắng tìm đường đến châu Âu thông qua lãnh thổ chính của Tây Ban Nha hoặc qua quần đảo Canary ở Đại Tây Dương.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy quý /2023 là quãng thời gian nguy hiểm nhất kể từ năm 2017 đối với những người di cư đến châu Âu qua ngả Địa Trung Hải, với nhiều nạn nhân thiệt mạng.

Đầu tháng này, 11 người di cư - bao gồm 8 người Maroc và 3 người từ các quốc gia châu Phi khác - đã thiệt mạng do chìm thuyền ở Đại Tây Dương khi họ đang cố gắng đến quần đảo Canary./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục