EPA Canada và Nhật Bản - Hiệp định nhiều hứa hẹn

Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế Canada-Nhật Bản là một hiệp định thương mại tự do hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.
Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế (EPA) Canada-Nhật Bản mà hai bên đang tiến hành thương lượng được nhìn nhận là một trong những hiệp định thương mại tự do đang hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương dường như đang trở nên lỏng lẻo hơn.

Từ chỗ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Canada vào năm 2005, Nhật Bản hiện chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Canada, kim ngạch thương mại song phương giảm từ 31 tỷ USD năm 2001 xuống còn 24 tỷ USD vào năm 2011 và Nhật Bản dù là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, song chỉ chiếm chưa đầy 3% kim ngạch thương mại của Canada.

Cơ sở cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương chính là mối quan hệ lâu dài giữa Canada và Nhật Bản.

Canada và Nhật Bản là hai nền kinh tế có sự bổ sung cho nhau, trong đó Nhật Bản cần nguồn cung cấp ổn định và đáng tin cậy năng lượng, nguyên liệu thô và lương thực, những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Canada.

Thêm vào đó, các công ty Nhật Bản là các nhà đầu tư nước ngoài năng động, trong khi Canada đang cần thêm vốn để phát triển các doanh nghiệp và hỗ trợ khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các công ty bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu thế giới của Canada có kiến thức chuyên môn để giúp những người cao tuổi Nhật Bản quản lý thời gian nghỉ hưu của họ.

Sự bổ sung về kinh tế được tăng cường bởi các giá trị chung khi cả hai cùng có các tiêu chuẩn cao về môi trường và lao động, và là những đối tác trong G8, G20 và các tổ chức quan trọng khác.

Dù vậy, mức tăng trưởng kinh tế thấp của Nhật Bản trong 20 năm qua được đưa ra làm lý do cho việc Canada không nên ký EPA với Nhật Bản mà nên tập trung vào các thị trường mới hơn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang là một cửa ngõ để Canada thâm thập vào một thị trường châu Á đang nổi. Trong năm 2011, các công ty Nhật Bản đã đầu tư gần 40 tỷ USD vào Trung Quốc, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.

Các doanh nghiệp Canada có thể được lợi lớn nhờ việc cùng đầu tư và học hỏi các công ty Nhật Bản. Hơn nữa, sự đình đốn của Nhật Bản cũng khác hơn bình thường, khi các nhà kinh tế lưu ý rằng sản lượng kinh tế bình quân đầu người đối với những người trong độ tuổi lao động của nước này có mức tăng cao hơn cả Mỹ và Đức.

Nhật Bản cũng đang trở nên giàu có hơn, với tài sản nước ngoài ròng đã tăng thêm gần 3.000 tỷ USD, trong khi khoản nợ nước ngoài cùng kỳ của Mỹ đã tăng thêm hơn 8.000 tỷ USD.

Triển vọng của kinh tế Nhật Bản có thể sáng sủa hơn khi chính phủ mới đã thông báo các chính sách tài chính và tiền tệ mới cũng những cải cách cơ cấu nhằm chống lại giảm phát và kích thích tăng trưởng.

Việc đánh giá những cơ hội kinh tế tại thị trường Nhật Bản luôn là không dễ dàng đối với các công ty Canada. Một EPA có thể giúp giảm bớt những rào cản này và giúp Canada có lợi thế cạnh tranh với các đối thủ đến từ các quốc gia không có một hiệp định như vậy với Nhật Bản.

EPA Canada-Nhật Bản nên bao gồm không chỉ mở đường cho các hàng hóa, dịch vụ của Canada thâm nhập thị trường Nhật Bản, đảm bảo sự đối xử công bằng với các công ty Canada mà còn bao gồm các vấn đề khác như bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phối hợp quy định, sự di chuyển của những người có tay nghề, mua sắm công và thuận lợi hóa thương mại.

Cụ thể hơn, EPA sẽ giúp giảm thuế và tăng hạn ngạch cho các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, ngũ cốc, dầu thực vật, hải sản, gỗ, kim loại chế biến và hàng công nghiệp.

Ngoài những lợi ích kinh tế cơ bản, một EPA với Nhật Bản cũng sẽ là một cú huých đối với chiến lược thương mại toàn cầu của Canada. Mặc dù Canada đã tham gia các cuộc thương lượng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng không ai có thể biết tiến trình đó sẽ kéo dài bao lâu. Một hiệp định tạm thời với Nhật Bản có thể cải thiện đáng kể tình hình, trong khi phát đi một tín hiệu rõ ràng đối với tất cả các đối tác thương mại về những tham vọng của Canada.

Vòng thương thuyết thứ hai hướng tới EPA Canada-Nhật Bản sẽ diễn ra tại Ottawa trong các ngày 22-26/4 sắp tới. Trong quá trình thương lượng, sự linh hoạt là cần thiết để đảm bảo lợi ích của cả hai nước. Điều này là đặc biệt quan trọng khi cả Canada và Nhật Bản đều đang đối mặt với những thách thức trong nước trong việc theo đuổi thương mại tự do hơn./.

Dương Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục