EU áp thuế chống phá giá đồ da VN là sai lầm

EuroCham-cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam phản đối quyết định áp thuế chống bán phá giá hàng giày, mũ da Việt Nam.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Alain Cany, việc EU dự tính áp thuế chống bán phá giá với hàng giày, mũ da Việt Nam sẽ là một quyết định gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế Việt Nam vốn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tại cuộc gặp báo giới chiều 15/12, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Alain Cany cho rằng những gì mà Hội đồng Bộ trưởng EU và các chính phủ EU dự định làm là một biện pháp sai lầm; cho biết EuroCham, một cộng đồng lớn của doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam phản đối quyết định này.

Tháng 10 vừa qua, trong báo cáo điều tra cuối kỳ, EC kết luận giày, mũ da của Việt Nam tiếp tục bán phá giá và kiến nghị tiếp tục áp thuế thêm 15 tháng (bắt đầu từ tháng 1/2010 đến hết tháng 3/2011). Ngày 17 và 22/12 tới, các Đại sứ và Bộ trưởng 27 nước thành viên EU sẽ họp và bỏ phiếu tại Hội đồng Bộ trưởng EU để ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Ông Alain Cany cũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam mà ông là người đại diện sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc tìm những bằng chứng rõ ràng, chứng minh sự minh bạch và tự chủ trong hoạt động của các doanh nghiệp ngành giày da Việt Nam. Một số thành viên EU không ủng hộ cách tính toán các yếu tố kỹ thuật của EC trong vụ việc này.

EuroCham cũng cho rằng cách tính toán này cần được thay thế bằng các giải pháp không trái quy định GSP, sát với tình hình Việt Nam và hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại đối với người lao động và doanh nghiệp ngành giày da Việt Nam.

Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng EU nên tiếp tục sự hỗ trợ hữu ích đối với Việt Nam như đã làm trước đây thông qua các quyết định đầu tư đúng đắn và tôn trọng đầy đủ các cam kết thương mại giữa hai bên. Ông cũng khẳng định cá nhân ông sẽ “làm hết sức mình” trong việc thuyết phục các chính trị gia Châu Âu “không cần phải làm điều này với Việt Nam vì nhiều lý do xác đáng và rõ ràng”.

Việc EC áp thuế chống bán phá giá 10% trong 2 năm đối với giày, mũ da của Việt Nam trong hơn 3 năm qua cùng với việc loại bỏ ngành giày dép khỏi diện được hưởng ưu đãi GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập) giai đoạn 2009-2011 đã gây nhiều thiệt hại cho ngành giày da Việt Nam. Đời sống của hơn 650.000 lao động trong ngành này, trong đó đa số là lao động nữ bị ảnh hưởng nặng.

Nhiều chính trị gia và Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối đề nghị bất hợp lý này. Quan điểm chung là việc EC áp thuế không phù hợp với chính sách chung của EU về thúc đẩy tự do hóa thương mại, chống sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ.

Quyết định này cũng làm giảm hiệu quả của các chương trình trợ giúp xóa đối giảm nghèo mà EC và các nước thành viên dành cho Việt Nam, tác động tiêu cực tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục