Các chính phủ trong Liên minh Châu Âu (EU) ngày 15/3 đã bác bỏ nỗ lực của Pháp và Anh hối thúc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để cho phép cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria, đồng thời bày tỏ lo ngại điều này có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh trong khu vực.
Các quan chức ngoại giao EU cho biết Pháp và Anh gần như không nhận được sự ủng hộ về đề xuất nới lỏng lệnh cấm vận tại một hội nghị thượng đỉnh của EU tại Brussels, mặc dù hai nước đã đề nghị các ngoại trưởng EU xem xét lại vấn đề này vào tuần tới. Một nhà ngoại giao EU nêu rõ: “Không ai thực sự có hứng thú (với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Syria). Không có triển vọng về sự thay đổi trong một sớm một chiều.”
Các chính phủ trong EU muốn hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng nhiều nước ngày 15/3 bày tỏ lo ngại rằng việc cho phép cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy có thể khiến vũ khí rơi vào tay những kẻ xấu, đặc biệt là các chiến binh Hồi giáo trong phe nổi dậy, và khiến những bên hậu thuẫn Tổng thống Assad tăng cường chuyển giao vũ khí cho chính quyền Damascus.
Áo, một trong những quốc gia thành viên EU phản đối việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, cảnh báo sẽ yêu cầu các lực lượng của LHQ rút khỏi khu vực Cao nguyên Golan nếu Pháp, Anh cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, vì động thái này sẽ khiến “tình hình bất ổn.”
Trong khi đó, thay vì công khai lên tiếng phản đối yêu cầu của Anh và Pháp, Italia đang tìm kiếm lời giải đáp rõ ràng cho các vấn đề của họ như liệu có nên vũ trang cho các phần tử nổi dậy khi chưa rõ ai sẽ kiểm soát khu vực có các thành phố lớn; liệu vũ trang cho một phái có đồng nghĩa với việc đang trợ giúp cho một nhóm cực đoan hơn lên nắm quyền; và liệu Thổ Nhĩ Kỳ có ủng hộ những nỗ lực đó hay không.
Những nước khác phản đối yêu cầu của Pháp và Anh gồm Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức và Áo. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tỏ ra thận trọng về vấn đề Syria vì theo bà, Anh và Pháp có thể “bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang với Nga”./.