EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch cải tổ tư pháp

Hội đồng châu cảnh báo động thái gần của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan kế hoạch cải tổ cơ quan tư pháp sẽ làm suy yếu lòng tin với nước này.
EU cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch cải tổ tư pháp ảnh 1Ủy viên EC phụ trách vấn đề nhân quyền Nils Muiznieks. (Nguồn: EC)

Ngày 17/1, Hội đồng châu Âu (cơ quan quyền lực cao nhất của Liên minh châu Âu - EU) cảnh báo các động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan kế hoạch cải tổ cơ quan tư pháp sẽ làm suy yếu lòng tin đối với Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời làm phương hại nền dân chủ ở quốc gia đang mong muốn gia nhập EU này.

Ủy viên EC phụ trách vấn đề nhân quyền Nils Muiznieks cho rằng hạn chế sự độc lập của cơ quan tư pháp sẽ đe dọa chính cơ quan này và làm suy giảm lòng tin của dân chúng đối với không chỉ hệ thống tư pháp mà cả Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ nói chung.

Ông Muiznieks nhấn mạnh sức ép nhằm vào cơ quan tư pháp sẽ đe dọa cấu trúc dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ bất kể động cơ đằng sau sức ép này là gì. Ông còn khẳng định mọi hệ thống tư pháp bị "chính trị hóa" đều đáng ngờ và sự cai trị của luật pháp là trụ cột cơ bản trong một xã hội dân chủ.

Ông Muiznieks cho biết với sự hỗ trợ của Hội đồng châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã đạt tiến bộ lớn trong lĩnh vực cải cách ngành tư pháp.

Vì vậy, điều đáng ngạc nhiên là đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan vội vàng đưa ra đề xuất cải cách cơ quan tư pháp mà không tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Ông Muiznieks lo ngại kế hoạch mới của Ankara có thể tước bỏ một số quyền hạn của Hội đồng Thẩm phán và Công tố viên tối cao (HSYK) thuộc Bộ Tư pháp và trao các quyền này cho Bộ trưởng Tư pháp, một chu trình đi ngược những yêu cầu mà các tổ chức thuộc Hội đồng châu Âu đã đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền, song kêu gọi nước này tăng cường sự độc lập cũng như sự công bằng của cơ quan tư pháp.

Các quan chức khác trong EU cảnh báo biến động hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể phá hỏng tiến trình đàm phán về việc nước này gia nhập EU, vừa được nối lại tháng 11/2013 sau 3 năm bị phong tỏa.

Ủy viên EU phụ trách vấn đề mở rộng Stefan Fule tuyên bố bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống tư pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đáp ứng các tiêu chí thành viên EU.

Giới chức EU đưa ra những cảnh báo trên trong bối cảnh Ankara trong vòng chưa đầy 2 tuần qua đã cách chức và sa thải một loạt công tố viên và cảnh sát các cấp, trong khi AKP trình Quốc hội dự luật nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ đối với cơ quan tư pháp.

Dự luật lúc đầu yêu cầu Chính phủ bổ nhiệm các thành viên HSYK, nhưng sau đó đề xuất để Quốc hội bầu các chức vụ này.

Các động thái trên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và AKP đang gây quan ngại sâu sắc cả ở trong và ngoài nước, đặc biệt trong EU.

Phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Ankara thực hiện một cuộc "thanh trừng" nhằm đáp trả chiến dịch điều tra chống tham nhũng quy mô lớn do lực lượng cảnh sát và cơ quan công tố tiến hành trong tháng trước, dẫn tới việc bắt giữ hơn 50 nhân vật chính trị và doanh nhân thân cận với ông Erdogan và buộc Thủ tướng phải cải tổ nội các.

Về phần mình. ông Erdogan chỉ trích cuộc điều tra này nhằm mục đích bôi nhọ hình ảnh của ông trước khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương, dự kiến vào tháng 3 tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục