EU điều tra thương vụ sáp nhập giữa Aon và Willis Towers Watson

Các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU sẽ mở một cuộc điều tra quy mô toàn diện về việc công ty môi giới bảo hiểm Aon mua lại đối thủ Willis Towers Watson với giá 30 tỷ USD.
EU điều tra thương vụ sáp nhập giữa Aon và Willis Towers Watson ảnh 1(Nguồn: insuranceage.co.uk)

Các cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu sẽ mở một cuộc điều tra quy mô toàn diện về việc công ty môi giới bảo hiểm Aon mua lại đối thủ Willis Towers Watson với giá 30 tỷ USD để hình thành nhà môi giới bảo hiểm lớn nhất thế giới.

Theo thỏa thuận trên, công ty môi giới lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới sẽ hợp nhất, qua đó thu hút sự giám sát của các cơ quan quản lý do lo ngại rằng thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) này sẽ khiến mức định giá của công ty này tăng vọt và gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng trên thị trường bảo hiểm.

Một cuộc điều tra toàn diện của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ được tiến hành sau quá trình đánh giá sơ bộ sẽ kết thúc vào ngày 21/12 tới. Tuy nhiên, cả EC cũng như Aon và Willis đều từ chối bình luận về vấn đề trên.

[Công nghệ nhận diện hình ảnh giúp bồi thường bảo hiểm chỉ còn 5 phút]

Aon đã không có bất kỳ sự nhượng bộ vào ngày 14/12, thời hạn chót để giải quyết những lo ngại về cạnh tranh của EU.

Hồi tháng 3/2020, Giám đốc điều hành công ty Aon, Greg Case, cho biết Aon tự tin rằng thỏa thuận mua lại Willis sẽ thành công.

Với việc thâu tóm Willis, Aon sẽ vượt qua Marsh & McLennan Companies Inc để trở thành nhà môi giới bảo hiểm lớn nhất thế giới, giữa bối cảnh thị trường tài chính đang trượt dốc do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã khiến số lượng yêu cầu bồi thường bảo hiểm gia tăng mạnh và làm tổn hại các danh mục đầu tư của họ, cộng thêm những thách thức hiện có như biến đổi khí hậu. Điều đó đã dẫn đến một loạt giao dịch M&A trong ngành bảo hiểm, khi mức định giá của các doanh nghiệp giảm và họ tìm cách xây dựng các mô hình kinh doanh mới.

Đây là nỗ lực thứ hai của Aon nhằm thâu tóm Willis Towers Watson. Hồi tháng 3/2018, Aon xác nhận họ đang theo đuổi thương vụ sáp nhập với Willis nhưng một ngày sau đó, Aon đã hủy đàm phán.

Do Willis Towers Watson là một công ty của Ireland nên các thương vụ như vậy phải tuân theo các quy định pháp lý về sáp nhập của Ireland, có nghĩa là Aon phải công bố thông tin trước khi thực hiện quá trình thâu tóm này.

Thỏa thuận nói trên sẽ cho phép công ty Aon "mới" cung cấp thêm các dịch vụ cho khách hàng trong một số lĩnh vực mới như mạng trực tuyến, sở hữu trí tuệ và rủi ro liên quan đến khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục