"Eurozone đang rơi vào một cuộc suy thoái mới"

Khu vực đồng euro (Eurozone) đang rơi vào một cuộc suy thoái mới trong vòng chưa đầy 3 năm và khó có khả năng sớm phục hồi.
Khu vực đồng euro (Eurozone) đang rơi vào một cuộc suy thoái mới trong vòng chưa đầy 3 năm và khó có khả năng sớm phục hồi.

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Jurgen Michels thuộc tập đoàn tài chính Citigroup tại London sau Hội nghị các bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Eurozone diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 14/5.

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone đã giảm liên tiếp trong hai quí - quí 4/2011 giảm 0,3% và quí 1/2012 giảm 0,2% - dấu hiệu cho thấy khu vực này đang trượt vào đợt suy thoái mới sau "cơn đại hồng thủy" do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng cho rằng GDP của Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, cho dù đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quí đầu năm 2012, song nền kinh tế đầu tàu này không thể bù đắp cho sự giảm sút của toàn khu vực khi Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone chỉ duy trì mức độ tăng trưởng mà không tăng, sản lượng công nghiệp của Hà Lan trong tháng 3/2012 giảm tới 9%, mức giảm lớn nhất trong Eurozone, một số nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy... vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, trong khi Tây Ban Nha được khẳng định đã rơi vào suy thoái.

Trước đó, một số nhà quan sát đã nhiều lần nhận định rằng suy thoái kinh tế có thể chỉ ở mức vừa phải và có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2012, song với các số liệu kinh tế trên, những hy vọng về sự phục hồi đang trở nên mong manh, thậm chí các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy suy thoái có thể sẽ trầm trọng hơn khi kinh tế của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy đang hết sức ảm đạm.

Đề cập đến tình hình Hy Lạp, quốc gia thành viên Eurozone đang rơi vào cuộc khủng hoảng mới khi không thành lập được chính phủ sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, các nhà hoạch định chính sách kinh tế khu vực cảnh báo Aten hoặc phải trung thành với thỏa thuận cứu trợ như đã cam kết với các định chế tài chính quốc tế, hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi Eurozone trong tương lai không xa.

[Các diễn biến tại Hy Lạp chi phối thị trường tiền tệ]

Theo các bộ trưởng tài chính Eurozone, Hy Lạp phải tôn trọng các điều kiện trong chương trình "thắt lưng buộc bụng" và cải cách kinh tế theo thỏa thuận nhằm nhận được gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngược lại, nước này sẽ buộc phải từ bỏ đồng tiền chung euro hiện nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso khẳng định nếu phá bỏ những cam kết với các chủ nợ quốc tế, khả năng Hy Lạp phải ra khỏi Eurozne là rất cao.

Ngoài những quan ngại về tình hình nợ công tại Hy Lạp, ngày 14/5, IMF đã cảnh báo những rủi ro kinh tế tại Luxembourg có thể càng làm gia tăng cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone, thậm chí làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế trên toàn khu vực.

Trong bản đánh giá tình hình kinh tế Luxembourg, IMF cho rằng tuy nhỏ, song những tổn thương về kinh tế và tài chính tại Luxembourg đang làm gia tăng cuộc khủng hoảng tại Eurozone. Theo IMF, hệ thống ngân hàng của Luxembourg đã lộ ra nhiều nguy cơ lớn và điều này có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp trên toàn khu vực lên mức kỷ lục.

Theo kế hoạch, lãnh đạo 27 nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 23/5 tới nhằm tìm giải pháp mới cho Eurozone nói riêng và cả châu Âu nói chung với mục tiêu vừa áp dụng chính sách thúc đẩy tăng trưởng, vừa thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu và thâm hụt ngân ngân sách. Mặc dù vậy, theo nhà kinh tế hàng đầu của Unicredit, ngoài quản lý kinh tế, châu Âu cần phải đoàn kết hơn trong một kế hoạch lâu dài mới có thể đưa châu lục thoát khỏi khủng hoảng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục