EVN: Sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện, kể cả khi nắng nóng kéo dài

EVN yêu cầu các đơn vị điện lực thành viên nắm bắt hàng tuần tình hình sản xuất kinh doanh, sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện bao gồm kịch bản nắng nóng kéo dài, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến.

Nhân viên EVN lắp đặt các thiết bị điện. (Ảnh: evn)
Nhân viên EVN lắp đặt các thiết bị điện. (Ảnh: evn)

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tháng 6 là tháng cao điểm nắng nóng ở miền Bắc. Do đó, nhu cầu điện dự báo có thể tiếp tục tăng cao. Dự báo sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 6/2024 dự kiến đạt 28,1 tỷ kWh, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Công suất cực đại toàn hệ thống có thể lên tới hơn 52.000 MW, riêng miền Bắc có thể lên đến khoảng 26.000 MW.

Do đó, để chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, EVN đã chỉ đạo tất cả các đơn vị tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến khí tượng, thủy văn, tình hình nhiên liệu, khả dụng tổ máy và tăng trưởng phụ tải để kịp thời cập nhật điều chỉnh phương thức vận hành phù hợp.

Theo dõi tình hình nước về từng hồ thủy điện, tính toán cập nhật phương thức vận hành hàng ngày, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, đồng thời đảm bảo không suy giảm công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Bên cạnh đó, tập đoàn yêu cầu các Tổng Công ty Điện lực và Công ty Điện lực nắm bắt hàng tuần tình hình sản xuất kinh doanh, sẵn sàng các kịch bản cung ứng điện bao gồm kịch bản nắng nóng kéo dài, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 về việc tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện.

Cùng với đó, tập đoàn lưu ý các các Tổng Công ty Phát điện và các nhà máy điện tập trung theo dõi cung ứng than, chuẩn bị các phương án dự phòng, đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện và duy trì mức tồn kho theo quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với PVN, TKV, Tổng Công ty Than Đông Bắc và Chủ đầu tư các nguồn điện khác để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống, các Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia chủ động rà soát, khắc phục, ngăn ngừa sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng; tăng cường giám sát và tuân thủ kỷ luật vận hành.

Song song với việc đảm bảo điện, trong tháng 6/2024, EVN tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm, trong đó tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đảm bảo an toàn trên công trường để thi công đường dây 500 kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối), làm việc với các địa phương để bàn giao các khoảng néo còn lại, đôn đốc tiến độ cung cấp vật tư thiết bị; đảm bảo tiến độ đồng bộ trạm biến áp 500kV Thanh Hóa, các thiết bị kháng, tụ bù… phục vụ đóng điện các dự án.

“Khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện như: đường dây 500kV Monsoon-Thạnh Mỹ, trạm cắt 220kV Đăk Ooc và đường dây đấu nối, đường dây 220kV Nậm Sum-Nông Cống,” đại diện EVN cho biết.

97dfb76d9c0d4b53121c3.jpg
Kiểm tra vận hành các thiết bị, đảm bảo cung ứng điện an toàn. (Ảnh: evn)

Theo báo cáo của EVN, trong tháng 5/2024, mặc dù công suất đỉnh của toàn hệ thống đạt 47.147MW (ngày 29/5), chưa vượt qua đỉnh của cuối tháng 4, nhưng sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất (ngày 29/5) đã đạt 1,0019 tỷ kWh. Vì vậy, để đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, EVN đã điều hành linh hoạt các nguồn điện, thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành tối ưu hệ thống điện, thị trường điện, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Thống kê cho thấy, tháng 5, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 28,09 tỷ kWh, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 124,25 tỷ kWh, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó huy động từ thủy điện là 19,08 tỷ kWh, chiếm 15,4%; nhiệt điện than là 73,97 tỷ kWh, chiếm 59,5%; Tua bin khí là 11,17 tỷ kWh, chiếm 9%; Năng lượng tái tạo: 17,62 tỷ kWh, chiếm 14,2% (trong đó điện Mặt Trời đạt 11,64 tỷ kWh, điện gió đạt 5,38 tỷ kWh) và điện nhập khẩu là 2,02 tỷ kWh, chiếm 1,6%.

“Để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống, EVN rất mong nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 đến 15h00) và tối (từ 19h00 đến 23h00),” đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục