FAO: Giá tất cả các mặt hàng lương thực đều tăng

Theo FAO, giá tất cả các mặt hàng lương thực đều tăng, trong đó giá dầu ăn tăng nhanh nhất, sau đó là ngũ cốc, đường, sữa và thịt.
Lần đầu tiên kể từ tháng 7/2011, giá lương thực thế giới lại tăng và đã đạt mức tăng gần 2% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2011 đến tháng 1/2012.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn các chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 9/2 cho biết giá tất cả các mặt hàng lương thực đều tăng, trong đó giá dầu ăn tăng nhanh nhất, sau đó là ngũ cốc, đường, sản phẩm sữa và thịt. Tuy nhiên, với mức chỉ số giá lương thực của FAO tháng 1/2012 là 214 điểm, mức tăng giá lương thực tháng 1/2012 vẫn thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhà kinh tế chủ chốt của FAO về lương thực Abdolreza Abbassian nhấn mạnh giá lương thực lần này tăng bất chấp mùa vụ thu hoạch kỷ lục, dự trữ lương thực toàn cầu được cải thiện và giá lương thực đã liên tục giảm trong 6 tháng qua, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu lửa và giá trị của đồng USD không có biến động gì bất thường. Điều này một lần nữa cảnh báo cộng đồng thế giới về sự không thể dự báo của các thị trường lương thực toàn cầu.

Các chỉ số giá ngũ cốc của FAO tháng 1/2012 tăng 2,3% so với tháng 12/2011 và giá quốc tế của tất cả các loại ngũ cốc quan trọng, trừ gạo, đều tăng trong đó giá ngô tăng tới 6% .

Theo số liệu của FAO, sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2011 đạt kỷ lục mới là 2.327 triệu tấn, tăng 4,6 triệu tấn, tức khoảng 3,6% so với tháng 12/2010, dư thừa để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong niên vụ 2011-2012. Mức tiêu dùng ngũ cốc niên vụ 2011-2012 dự báo chưa đầy 2.309 triệu tấn, cao hơn mức năm 2010-2011 khoảng 1,8%. Lượng ngũ cốc dự trữ toàn cầu dự kiến vào cuối năm 2012 lên tới 516 triệu tấn, cao hơn 5 triệu tấn so với dự báo mới nhất của FAO.

Trong bối cảnh này, các nhà phân tích thị trường lương thực toàn cầu cho rằng giá lương thực tăng trong tháng 1/2012 chủ yếu phản ánh những lo ngại toàn cầu về các điều kiện thời tiết sẽ tác động đến mùa vụ lương thực năm 2012 ở các khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới như Nam Mỹ và châu Âu, đặc biệt là lo ngại sản lượng lương thực xuất khẩu của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập sẽ giảm mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục