Fiji bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 do biến thể Delta hoành hành

Fiji đã trải qua một năm không ghi nhận ca nhiễm mới nào cho đến tháng Tư vừa qua, khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 và các bệnh viện có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
Fiji bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 do biến thể Delta hoành hành ảnh 1Người dân Fiji đeo khẩu trang phòng chống COVID-19. (Nguồn: AFP)

Ngày 25/, Fiji ghi nhận dịch COVID-19 đang lây lan rộng trong cộng đồng ở nước này.

Bộ trưởng Y tế thường trực của Fiji, ông James Fong cho biết có 308 ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trong làn sóng dịch thứ 2 bùng phát từ đầu tháng Tư vừa qua lên gần 2.800 ca.

Tuy nhiên, nhà chức trách Fiji vẫn chưa áp đặt phong tỏa toàn quốc, nhấn mạnh rằng ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân kém, khiến biện pháp phong tỏa không có tác dụng.

Fiji đã trải qua một năm không ghi nhận ca nhiễm mới nào cho đến tháng Tư vừa qua, khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 do biến thể Delta hoành hành.

Khi số ca tiếp tục tăng cao, gấp đôi chỉ sau 9 ngày, người đứng đầu cơ quan bảo vệ sức khỏe của chính phủ, bà Aalisha Sahukhan thừa nhận "các bằng chứng cho thấy dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng," đồng thời cảnh báo "số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và sẽ có nhiều ca nặng, cũng như ca tử vong."

Bà Sahukhan kêu gọi cần chuẩn bị cho kịch bản các bệnh viện sẽ rơi vào tình trạng quá tải.

Chiến lược của Fiji hiện nay là áp đặt phong tỏa từng địa phương để hạn chế virus, trong khi đẩy mạnh tiêm phòng toàn dân. Tuy nhiên, hiện chỉ 1% dân số Fiji được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Hội Chữ thập Đỏ lý giải tỷ lệ thấp này là do thông tin sai lệch về tiêm phòng lan truyền trên mạng xã hội.

Tổng thống Joiji Konrote đã kêu gọi người dân Fiji đi tiêm phòng, khẳng định "đây là một trong những hy vọng kiểm soát được sự lây lan của virus."

Trong một diễn biến khác, quần đảo Hawaii (Mỹ) sẽ áp dụng quy định mới từ ngày 8/7, theo đó khách du lịch nội địa đã tiêm phòng đủ liều tại Mỹ không bắt buộc phải xét nghiệm virus trước khi đi và không phải cách ly khi đến.

Thống đốc Hawaii, ông David Ige cho biết: "Hawaii dự kiến đạt tỷ lệ tiêm phòng 60% trước ngày 8/7 tới, theo đó có thể giảm bớt một số biện pháp hạn chế hiện nay."

[Malaysia phát hiện thêm các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2]

Theo quy định mới, các cuộc tụ tập trong nhà được phép tối đa 25 người tham gia, và 75 người đối với cuộc tụ tập ngoài trời. Nhà hàng cũng được phép đón khách tương đương 75% khả năng phục vụ.

Du lịch vốn là một phần rất lớn trong nền kinh tế Hawaii. Năm 2019, trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, quần đảo này đã đón hơn 10,4 triệu lượt du khách. Ngành du lịch cũng tạo 200.000 việc làm cho quần đảo có khoảng 1,4 triệu dân này.

Đến nay, Hawaii đã ghi nhận hơn 37.000 ca nhiễm và hơn 510 ca tử vong do COVID-19.

Bộ Y tế Ấn Độ cùng ngày cho biết đã ghi nhận 51.667 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 30,1 triệu ca.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ cũng tăng thêm 1.329 ca, nâng tổng số lên 393.310 ca.

Cũng trong ngày 25/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã ghi nhận 24 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 24/6, tăng cao so với con số 16 ca trong ngày 23/6.

Tất cả các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong nước; không có thêm ca tử vong nào trong ngày 24/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục