Financial Times: Anh nằm trong tầm ngắm trừng phạt của Trung Quốc

Trung Quốc thường đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài giao dịch với Trung Quốc hoặc hoạt động tại Trung Quốc.
Financial Times: Anh nằm trong tầm ngắm trừng phạt của Trung Quốc ảnh 1Mạng điện thoại 5G được giới thiệu tại London, Anh, ngày 28/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tờ Financial Times (Anh) cho rằng nước Anh hiện đang nằm trong tầm ngắm ngoại giao của Trung Quốc.

Quan điểm của Chính phủ Anh liên quan đến Khu hành chính đặc biệt Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua và áp dụng luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính này cũng như quyết định mà Anh dự kiến sẽ đưa ra để cấm Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng 5G chắc chắn làm cho Trung Quốc tức giận.

Trong bối cảnh này, Vương quốc Anh có thể "sớm tham gia" vào danh sách các quốc gia bị trừng phạt thương mại do không đáp ứng những mong muốn của Trung Quốc.

[Quan chức Anh: London chuẩn bị loại Huawei khỏi dự án 5G]

Tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã cảnh báo rằng sẽ có "những biện pháp đáp trả" nếu Chính phủ Anh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc bằng cách cho phép gần 3 triệu người Hong Kong mang hộ chiếu công dân hải ngoại của Anh (BNO) đến định cư và nhập quốc tịch Anh.

Ngoài ra, khi bảo vệ "người khổng lồ" công nghệ viễn thông Huawei như thể đó là một doanh nghiệp nhà nước, ông Lưu Hiểu Minh đã cảnh báo về "những hậu quả" nếu Anh thay đổi thái độ trở nên thù địch đối với Trung Quốc.

Trung Quốc thường đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài giao dịch với Trung Quốc hoặc hoạt động tại Trung Quốc.

Năm 2010, việc trao giải thưởng Nobel cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đã dẫn đến các lệnh trừng phạt đối với cá hồi và các sản phẩm nhập khẩu khác từ Na Uy.

Những tranh cãi với Nhật Bản liên quan đến quần đảo đang tranh chấp tại biển Hoa Đông năm 2012 đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Nhật Bản và một chiến dịch chống lại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc.

Năm 2014, Philippines đã trở thành mục tiêu do những tranh chấp liên quan đến bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Năm 2016, ngành du lịch và các công ty của Hàn Quốc đã bị tấn công bởi một chiến dịch nhằm phản đối việc Seoul cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa.

Bỏ qua cuộc chiến thương mại gần đây với Mỹ, năm 2019, Trung Quốc cũng đã bắt giam vô cớ hai người Canada để trả đũa vụ Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ tại Vancouver.

Năm nay, Trung Quốc tuyên bố các lệnh trừng phạt thương mại đối với Australia do nước này kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Nếu Anh bị tấn công bởi các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc, các tập đoàn phi tài chính và ngân hàng hàng đầu sẽ bị ảnh hưởng.

Trong quá khứ, những biện pháp này đã kết thúc như một lời khoe khoang ầm ĩ, hay như cách nói của người Trung Quốc "thùng rỗng kêu to."

Tác động đối với khối lượng thương mại hoặc kinh doanh tại Trung Quốc là tạm thời và sự phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, với việc các mối quan hệ địa chính trị hiện đang trong giai đoạn không tin tưởng và sự cạnh tranh khốc liệt về các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu, Anh không thể chắc chắn những gì Trung Quốc có thể xem xét hoặc cái gì có thể là hậu quả. Ít nhất, các công ty của Anh có thể thấy môi trường hoạt động ở Trung Quốc khó khăn hơn nhiều.

Anh nên có những bước đi cẩn thận vì nền kinh tế nước này chỉ lớn bằng một phần năm nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Anh cũng có một số đòn bẩy tiềm năng.

Trung Quốc đang phải đối phó với những khó khăn kinh tế ở trong nước, các cuộc xung đột với Mỹ và sự phản đối chung từ các quốc gia phát triển, các nước đang phát triển chủ chốt và các nước tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Nước Anh là điểm đến ưa thích cho đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu, nhất là liên quan đến công nghệ, năng lượng, giao thông, và nghiên cứu và phát triển. Đối với Trung Quốc, khoản đầu tư này vẫn có ý nghĩa chiến lược.

Ngoài ra, London nắm giữ lợi ích đáng kể. Thành phố này là trung tâm giao dịch và phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ lớn nhất ngoài châu Á.

Với nguy cơ ngày càng tăng rằng Mỹ có thể hạn chế quyền tiếp cận các nguồn tài chính bằng đồng USD đối với các cá nhân và ngân hàng liên quan đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và việc Bắc Kinh áp dụng Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hong Kong, các quan chức Trung Quốc một lần nữa, sau một thời gian gián đoạn, đang nói về việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Những rào cản lớn đối với việc hiện thực hóa mục tiêu này không thay đổi, nhưng London chắc chắn có thể đáp ứng một số kỳ vọng mà Bắc Kinh có thể che giấu.

Anh cần khởi động lại mối quan hệ với một Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ thương mại và chính trị.

Anh có tương đồng lợi ích với với Trung Quốc trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững, nhưng lại lo ngại an ninh lớn liên quan đến công nghệ và dữ liệu, và quan điểm rất khác nhau về vấn đề quản trị, các giá trị và tiêu chuẩn.

Đối với Chính phủ Anh, những quyết định khó khăn nằm ở phía trước. Bằng cách nào đó, Chính phủ Anh phải có được sự ủng hộ đối với cả việc can dự với Trung Quốc và quyền phản đối lại Trung Quốc. Nguy cơ của việc quá nghiêng về hợp tác hay quá nghiêng về phản đối là rất đáng kể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục