G20 bất đồng về tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế gặp khó khăn

Một số quan chức cho biết các nước G20 vẫn chưa nhất trí về quan điểm liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhiều khả năng kết thúc cuộc họp ngày 25/2 tại Ấn Độ mà không ra được tuyên bố chung.
G20 bất đồng về tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế gặp khó khăn ảnh 1Các đại biểu đến địa điểm ở Bengaluru, nơi Ấn Độ - Chủ tịch G20 chủ trì một cuộc họp ngày 22/2/2023. (Nguồn: Getty Images/CNBC)

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cho biết còn một số bất đồng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) liên quan đến tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Phát biểu ngày 25/2 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Bengaluru (Ấn Độ), bà Georgieva cho biết dù vẫn còn một số bất đồng, song tại phiên họp đầu tiên, các bên tham gia đã cam kết giải quyết bất đồng vì lợi ích của tất cả các nước.

Hiện bà Georgieva và Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đang đồng chủ trì hội nghị này.

Ấn Độ đảm nhận cương vị Chủ tịch G20 vào thời điểm nhiều nước láng giềng Nam Á là Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan đang tìm kiếm các gói hỗ trợ khẩn cấp của IMF vì kinh tế gặp khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

[Hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 thảo luận nhiều vấn đề nóng]

Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn đã kêu gọi tiến hành phân tích công bằng, khách quan và chuyên sâu về nguyên nhân của vấn đề nợ toàn cầu nhằm đạt được giải pháp toàn diện và hiệu quả.

Ông Lưu Côn cho rằng các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ thương mại nên tuân theo nguyên tắc "hành động chung, chia sẻ gánh nặng công bằng" trong nỗ lực tái cấu trúc nợ.

Bên cạnh vấn đề tái cơ cấu nợ, quản lý tiền điện tử là một lĩnh vực được Ấn Độ ưu tiên đề xuất. Về điểm này, Tổng giám đốc IMF đồng tình và cho rằng việc cấm tiền điện tử tư nhân có thể là một lựa chọn.

Theo bà Georgieva, cần phân biệt giữa tiền điện tử của nhà nước vốn ổn định, với các tài sản điện tử mà tư nhân phát hành. Bà nhấn mạnh: “Rất cần quản lý… nếu không sẽ là quá muộn.” Bà kêu gọi thảo luận khả năng cấm các tài sản này vì “chúng có thể đặt ra nguy cơ ổn định tài chính.”

Hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức tham dự cuộc họp cho biết các nước G20 vẫn chưa đạt được sự nhất trí về quan điểm liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhiều khả năng kết thúc cuộc họp ngày 25/2 tại Ấn Độ mà không ra được tuyên bố chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục