Ngắm cây cảnh mọi miền

Gần 1.000 cây cảnh khoe thế bên bờ sông Hương

Gần 1.000 cây cảnh độc đáo đến từ 20 địa phương trên cả nước được trưng bày bên sông Hương trong Festival nghề truyền thống Huế.
Trong tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên dòng sông Hương thơ mộng, rất nhiều khách tham quan đã bị hút hồn với gần 1.000 cây cảnh độc đáo đến từ 20 địa phương trong cả nước.

Thú chơi tao nhã về cây cảnh một lần nữa được tôn vinh tại Festival nghề truyền thống Huế 2011. Các nghệ nhân về cây cảnh nổi tiếng ở mọi miền cả nước đã không bỏ lỡ cơ hội trưng bày những tác phẩm độc đáo nhất của mình cho du khách thưởng lãm.

Đến từ An Giang, các nghệ nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã mang đến Festival 41 tác phẩm cây cảnh thuộc các chủng loại cây đặc trưng của Nam Bộ như sộp, dừa, sam núi, linh sam, mai chiếu thủy lá tứ...

Trong số đó, đáng chú ý là cây mai chiếu thủy lá tứ, từng được trao tặng huy chương Vàng tại Hội hoa xuân Tao Đàn - Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011. Đây là một tác phẩm bonsai tiểu, thế cây bạc phong của nghệ nhân Chín Bông, một nghệ nhân nổi tiếng của làng cây cảnh An Giang.

Một tác phẩm khác khiến nhiều người trầm trồ là cây linh sam mang tên "Rừng chiều" của nghệ nhân Nguyễn Chí Tâm cũng đã đoạt huy chương Bạc. Cây đang mùa trổ hoa tím rất đẹp.

Nghệ nhân Trần Văn Minh - Hội Sinh vật cảnh An Giang - cho biết: " Hội Sinh vật cảnh An Giang có gần 100 hội viên. Thú chơi cây cảnh phát triển cách đây 15 năm. An Giang có nhiều tác phẩm cây cảnh là những cây bản xứ. Chẳng hạn, cây mai chiếu thủy lá tứ có nguồn gốc từ huyện Thoại Sơn (An Giang), quê hương của Thoại Ngọc Hầu..."

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đóng góp cho Festival nghề truyền thống Huế 2011 bộ sưu tập cây thông Việt Nam với hàng chục loài. Ngoài ta, Hội Sinh vật cảnh Đà Lạt còn mang đến hai loài thông đỏ và thông hai lá dẹt rất quý hiếm, đã được ghi vào Sách Đỏ thế giới.

Các loài cây khác như tùng, trắc, du sam, hồng lộc, trắc bách diệp, tùng búp... vốn là những loài cây quen sống trong khí hậu ôn đới Đà Lạt cũng có mặt tại Festival. Tổng cộng các nghệ nhân Đà Lạt đã đóng góp 120 tác phẩm cây cảnh với thông điệp về tình yêu thiên nhiên.

Phần lớn các thế cây cảnh Đà Lạt cơ bản vẫn là các thế trực, thác đổ, bạc phong... truyền thống. Một số cây cảnh khác được tạo dáng theo lối bonsai Nhật Bản - đó là lão hóa thân cây để tăng thêm tính thẩm mỹ.

Đặc biệt trong số này có cây sanh 100 tuổi nguồn gốc từ Hà Tây, được đưa vào Đà Lạt từ năm 1934. Đây cũng là một trong những cây cảnh cổ ở Việt Nam với thế ngũ phúc( Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín) rất đẹp.

Trung tâm bonsai Thanh Tâm - Thành phố Hồ Chí Minh thì mang đến Festival nghề truyền thống Huế 2011 55 tác phẩm cây cảnh. Trong đó đặc sắc nhất là tác phẩm cây cần thăng của nghệ nhân Hoàng Ny và hai cây sanh của ông Montri Suksermsongchai - Chủ tịch Hội bonsai Thái Lan...

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Huế cho biết, điểm mới của Festival nghề truyền thống lần thứ tư năm 2011 là lựa chọn ẩm thực và cây cảnh là hai nghề độc đáo về văn hóa và phong cách sống của vùng miền. Festival có  không gian mở rộng cả về phía Bắc và phía Nam dòng sông Hương. Thời gian diễn ra Festival dài hơn so với các kỳ trước (từ 30/4 – 3/5) với sự góp mặt đông đảo của các nghệ nhân mọi địa phương trên cả nước.

Có thể nói, việc tổ chức thành công Festival nghề truyền thống, cùng với Festival Huế (vào các năm chẵn) đã khẳng định thương hiệu của Festival Huế, góp phần xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.../.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục