Gần 270.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên các đại dương thế giới

Hiện có ít nhất 5.250 tỷ mảnh nhựa (khoảng 268.940 tấn) đang trôi nổi trên các đại dương, song con số thực tế còn lớn hơn nếu tính cả các mảnh nhựa dạt vào bờ biển và bị các sinh vật biển nuốt.
Gần 270.000 tấn nhựa đang trôi nổi trên các đại dương thế giới ảnh 1Rác thải nhựa trôi nổi trên mặt biển Thái Bình Dương. (Nguồn: NBC)

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Plos One ngày 10/12, hiện có ít nhất 5.250 tỷ mảnh nhựa với tổng trọng lượng khoảng 268.940 tấn đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới.

Rác thải nhựa có mặt ở khắp các đại dương nhưng việc ước tính số lượng và trọng lượng của chúng gặp nhiều khó khăn do thiếu dữ liệu, đặc biệt ở Nam bán cầu và các khu vực xa xôi.

Để đưa ra dự báo đúng về số lượng và trọng lượng các loại rác thải nhựa đang trôi nổi trên các đại dương, nhà khoa học Marcus Eriksen cùng các đồng nghiệp từ Viện nghiên cứu Five Gyres (5 dòng hải lưu) ở Mỹ đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 24 chuyến khảo sát được tiến hành trong 6 năm (từ 2007-2013) tại tất cả 5 dòng hải lưu cận nhiệt đới, vùng ven biển Australia, vịnh Bengal và biển Địa Trung Hải.

Những dữ liệu này bao gồm thông tin về các mảnh nhựa cực nhỏ được thu thập bằng lưới đến những mảnh nhựa lớn có thể quan sát bằng mắt, để từ đó xây dựng mô hình phân bố rác thải nhựa trên các đại dương.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề rác thải nhựa trên các đại dương, cho thấy các mảnh nhựa lớn thường xuất hiện nhiều ở gần các bờ biển, trong khi các mảnh nhựa nhỏ bị đẩy ra những vùng biển xa hoặc các dòng hải lưu cận cực.

Sự phân bổ này khiến các nhà khoa học đi đến giả thiết rằng các dòng hải lưu đóng vai trò như "máy xén," cắt nhỏ các mảnh nhựa lớn thành những mảnh nhỏ rồi cuốn chúng đi khắp các đại dương.

Theo ông Eriksen, phát hiện này cho thấy 5 dòng hải lưu cận nhiệt đới không phải là nơi dừng chân cuối cùng của các mảnh nhựa trôi nổi trên các đại dương.

Điểm kết thúc của các mảnh nhựa cực nhỏ phụ thuộc vào sự chuyển động của các hệ sinh thái đại dương.

Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, kết quả nghiên cứu lần này còn khá khiêm tốn do chưa tính được hết số lượng khổng lồ các mảnh nhựa trôi dạt tại các bờ biển, dưới đáy biển, bị kẹt trong các cột xoáy nước hay bị các sinh vật biển nuốt vào cơ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục