Gần 367.800 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trên toàn quốc

Từ năm 1998 đến nay, cà nước có gần 367.800 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu quốc gia.
Gần 367.800 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ trên toàn quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 30/10, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị toàn quốc về ''Sở hữu trí tuệ'' năm 2014. Tham dự hội nghị có 300 đại biểu đến từ các vùng miền, viện, trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước.

Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, số lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp từ năm 1988 đến nay là 4.125, đăng ký kiểu dáng công nghiệp là 29.938 và đơn đăng ký kiểu dáng nhãn hiệu quốc gia là 333.733 đơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, còn bộc lộ những điểm yếu là tình trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam được đăng ký ra nước ngoài không đáng kể.

Các chủ thể của Việt Nam không có nhiều cơ hội sử dụng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân của tình trạng này là do khả năng tài chính hạn hẹp, quy mô phần lớn là nhỏ và rất nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài, thủ tục tư pháp phức tạp, chi phí thuê luật sư cao... khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức theo đuổi các vụ kiện.

Một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế là vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ của Việt Nam ở thị trường nội địa cần được quan tâm đúng mức, để tránh việc các doanh nghiệp khác tự do khai thác, sao chép các thành quả sáng tạo hoặc lợi dụng uy tín của doanh nghiệp để trục lợi.

Tại hội thảo, 9 tham luận của các nhà khoa học và doanh nghiệp trình bày về vấn đề này, trong đó đi sâu phân tích những đặc điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam từ góc nhìn chính sách và liên kết vùng; khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong hoạt động sở hữu trí tuệ…

Bạc Liêu hiện có hơn 1.330 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động, tạo giá trị sản phẩm hàng hóa hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nhìn chung, năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như số lượng sản phẩm còn hạn chế.

Hàng hóa của các doanh nghiệp Bạc Liêu phát triển chưa bền vững bởi còn nhiều sản phẩm chưa được bảo hộ, chưa xây dựng và định vị được thương hiệu của mình. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế.

Từ năm 1997 đến nay chỉ có 138 văn bằng bảo hộ trong số 196 đơn đăng ký. Tỉnh Bạc Liêu xác định đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh hướng tới các thị trường mục tiêu, cơ hội quảng bá hình ảnh và sản phẩm, để phát triển thương hiệu và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như xây dựng, bảo vệ và định vị thương hiệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục