Gặp gỡ vị lương y của người nghèo ở Khánh Hòa

Ở độ tuổi ngoài 90, bác sĩ Kiều Xuân Cư vẫn nhiệt thành tham gia các tổ chức từ thiện, chuyên đi giúp đỡ những bệnh nhân nghèo.
Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi đến thăm bác sĩ Kiều Xuân Cư (sống tại số 7 Ngô Thời Nhiệm, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), năm nay đã ngoài 90 tuổi.

Nét thời gian đã hiển hiện trên khuôn mặt chữ điền phúc hậu của ông, mái tóc bạc trắng, làn da nhăn, nổi từng mảng đồi mồi. Nhưng trong đôi mắt hiền từ của người bác sĩ ấy vẫn ánh lên niềm đam mê với nghề, một tình thương con người bao la.

Có lẽ chính vì thế mà trong mấy mươi năm nghỉ hưu, ông lần lượt tham gia đến ba tổ chức từ thiện, chuyên đi giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, những người bị nhiễm chất độc da cam, xây nhà tình thương, hay tạo điều kiện cho những đứa trẻ nghèo đến trường…Ông là vị lương y đáng kính của dân nghèo tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2004, xuất phát từ một số người quen, bạn bè, những nhà hảo tâm thành đạt ở Australia, Mỹ, Đức… muốn đóng góp công sức giúp đỡ người nghèo ở tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ Kiều Xuân Cư đã đứng ra xin phép thành lập Hội từ thiện Trầm Hương. Có được cơ sở pháp lý, ông đã kêu gọi tài trợ từ các bạn bè, tổ chức trong và ngoài nước. Mặt khác, ông mời gọi các bác sĩ nhiệt huyết trong tỉnh nhà "xắn tay" vào những việc làm cụ thể, từ đó tổ chức được hàng trăm đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Gần 7 năm hoạt động, Hội từ thiện Trầm Hương đã mổ mắt miễn phí cho hơn 3.500 trường hợp. Riêng bác sĩ Cư, vì chuyên ngành là răng hàm mặt nên chỉ có thể tham gia mổ ở một số ca hở hàm ếch cho trẻ em nghèo, còn lại đa phần đều nhờ cậy vào các bác sĩ trẻ.

Chia sẻ những kỷ niệm trong quãng đời làm từ thiện của mình, bác sĩ Kiều Xuân Cư kể lại: “Có lần về thăm một bà cụ bị lòa mắt sau khi được chúng tôi phẫu thuật, bà cụ đã nhìn được trở lại. Lúc cảm ơn chúng tôi, bà đã rơi nước mắt hạnh phúc, vì từ khi có cháu đích tôn đến khi nó lớn 7 tuổi chưa lần nào bà được thấy mặt cháu rõ ràng. Nhìn hai bà cháu hạnh phúc mà trong lòng chúng tôi cũng dâng lên niềm vui, niềm tự hào khó tả. Hạnh phúc của người thầy thuốc là khi chứng kiến người bệnh của mình khỏe mạnh.”

Ngoài việc lãnh đạo Hội từ thiện Trầm Hương, bác sĩ Cư còn là một trong những người sáng lập Hội Những người ái mộ Yersin ở Khánh Hòa. Với bề dày gần 20 năm hoạt động, hội quy tụ hơn 350 thành viên và được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp hẳn một phòng khám y tế ở số nhà 11 Sinh Trung (thành phố Nha Trang).

Phòng khám này là địa chỉ quen thuộc của những người nghèo vì mỗi tuần có 4 buổi khám và cấp thuốc miễn phí cho họ. Vào những dịp lễ, tết, ông và các thành viên trong hội thường xuyên đi khám và cấp thuốc miễn phí cho người có công, người dân tộc thiểu số ở huyện miền Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, huyện Cam Lâm, Diên Khánh.

Hằng năm, hội đều tổ chức hàng chục đợt khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến nay, ông đã vận động các nhà tài trợ ở trong tỉnh và thường xuyên liên lạc với Hội Những người ái mộ Yersin ở Pháp tổ chức mổ mắt, hở hàm ếch miễn phí cho hơn 3.000 trường hợp.

Chỉ cho chúng tôi xem những bức ảnh về các trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở thị xã Ninh Hòa, ông nói: "Tôi cùng ban chấp hành hội đã động viên nhau, kêu gọi tài trợ rồi nhận đỡ đầu cho hơn 30 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam ở Ninh Hòa. Ngoài việc thường xuyên thăm nom, khám bệnh, những em nào gia đình không có điều kiện, chúng tôi cũng bàn nhau hỗ trợ cho mỗi gia đình 300.000 đồng/ tháng với hi vọng các em được chăm sóc tốt hơn."

Ngoài việc khám chữa bệnh cho người nghèo, ông cùng Hội Những người ái mộ Yersin cũng vận động cấp học bổng cho học sinh nghèo trường Trung học cơ sở Yersin (xã Suối Cát, huyện Diên Khánh), tặng xe đạp cho học sinh ở xa để các em không bỏ học, xây dựng được hơn 50 nhà tình thương cho người nghèo trong tỉnh.

Không ngại “ôm rơm nặng bụng,” ông còn là Phó chủ tịch Hội Người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo do ông Bùi Hồng Thái, nguyên Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa sáng lập. Ở hội này, ông lại đảm trách công tác tổ chức khám chữa bệnh, kêu gọi các bác sĩ, doanh nhân, các nhà hảo tâm chung tay vì người nghèo.

Ông tâm sự: “Nhìn những người dân nghèo ở trong những túp lều nhếch nhác, con cái bệnh tật, cuộc sống khó khăn, những con người với các số phận éo le… tất cả cứ thôi thúc tôi phải làm nhiều việc hơn nữa.” Với đôi mắt sáng và nhiệt huyết, bác sĩ Kiều Xuân Cư nói: "Tôi đang khảo sát mấy gia đình khó khăn, nếu được trong thời gian đến sẽ vận động xây thêm mấy ngôi nhà nữa."

Nhìn bác sĩ Kiều Xuân Cư, chúng tôi cảm thấy khâm phục tinh thần, ý chí và thể lực của ông. Bác sĩ Cư là thế, luôn giữ cho mình một tấm lòng “lương y như từ mẫu”, một con người nhiệt huyết, một tình yêu thương dân nghèo vô bờ bến.

Như trong tập ký “Có một Nha Trang thầm lặng,” do nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 2010, nhà văn Nguyễn Gia Nùng, đánh giá: “Là một trong những chuyên gia đầu ngành của tỉnh và khu vực nhưng bác sĩ Kiều Xuân Cư vẫn không ngừng rèn luyện học hỏi và luôn có tấm lòng “lương y như từ mẫu”, người bệnh trong nước và nước ngoài khi được bác sĩ Cư điều trị đều hết lòng ca ngợi. Ông là một trong những tấm gương sáng đẹp nhất của một người thầy thuốc suốt đời làm theo lời dạy của Bác Hồ.”

Với những gì làm được, bác sĩ Kiều Xuân Cư nhiều lần được Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khen thưởng trong phong trào từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Ông cũng từng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều danh hiệu cao quý khác…/.

Quang Đức (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục