“Chị Sứ" vẫn hay ăn chuối chiên trên đường Nguyễn Văn Thủ. Từ một thông tin vừa xác thực vừa mơ hồ ấy, chúng tôi đi tìm nữ diễn viên Hiệp Định, “chị Sứ” trong bộ phim Hòn Đất.
Đi tìm chị Sứ
Hình ảnh người con gái xứ Hòn Đất (Kiên Giang) với suối tóc dài chấm gót, suối tóc đã bảo vệ chị trước những nhát chém của quân thù, nằm lòng trong nhiều thế hệ cùng với tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức và bộ phim cùng tên của đạo diễn tài danh Hồng Sến. Nhưng Hiệp Định, diễn viên của một vai duy nhất - chị Sứ, thì đã “biến mất” khỏi làng điện ảnh.
Có người bảo bà đang ở Hòn Đất (Kiên Giang). Nhưng nghệ sỹ ưu tú, diễn viên Hà Xuyên thì khẳng định bà là khách quen của một tiệm chuối nướng trên đường Nguyễn Văn Thủ, Thành phố Hồ Chí Minh. Tới nơi, đúng là có một hàng chuối nướng ở đấy.
Người bán hàng cho biết gần một năm nay Hiệp Định không ghé qua đó nữa, nhưng bà rất nhiệt tình nhờ người trông hàng để đưa chúng tôi đến một chung cư cũ nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Thủ.
Những tưởng ra mở cửa là… chị Sứ, nhưng không, một bà cụ cho biết, Hiệp Định đã chuyển sang quận 7, nhưng không rõ địa chỉ. Căn phòng cũ hiện đang được một gia đình khác thuê.
Thử vận may, chúng tôi để lại số điện thoại nhờ bà cụ giúp để có thể liên lạc được với diễn viên Hiệp Định. Hai hôm sau, có một tin nhắn cho biết số điện thoại của diễn viên Hiệp Định. Vậy là chúng tôi đã tìm được “chị Sứ” ở Sài Gòn.
Những ngày tháng không quên
Hiệp Định nay đã về hưu, hiện bà cùng chồng và con gái thứ hai sống trong một căn nhà ở phường Tân Phong, quận 7. Một không gian yên tĩnh, mát mẻ là lựa chọn của bà lúc về hưu với niềm vui nội trợ và chăm sóc cháu ngoại. Nhưng lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn bà, vẫn còn những ngày theo đoàn làm phim Hòn Đất, khó mà quên được.
Năm 1982, đoàn phim Hòn Đất đang tìm kiếm diễn viên đóng vai chị Sứ. Do có anh trai làm trong xưởng phim, hơn nữa, đạo diễn Hồng Sến còn là học trò của bố bà nên giữa hai người đã có sự quen biết.
Một lần, đạo diễn Hồng Sến đến nhà chơi, nhận thấy trong dáng dấp đậm chất Nam Bộ của Hiệp Định có hình ảnh của chị Sứ nên đã mời bà tới Xưởng phim Tổng hợp để thử vai. Lúc bấy giờ, Hiệp Định đang là giáo viên dạy sử của trường Trung học Sư phạm Sài Gòn.
Trước lời mời của đạo diễn Hồng Sến, bà cảm thấy ngỡ ngàng khi mình không qua một trường lớp nào về đào tạo diễn viên, nếu đi đóng phim sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bà vẫn đến thử vai dù không nghĩ là mình sẽ được chọn.
Đạo diễn Hồng Sến giao cho bà phân đoạn chị Sứ lúc ở kháng chiến, đó cũng là đoạn khó nhất trong phim cùng lời động viên: “Hồi trước em tham gia kháng chiến, cuộc sống trong kháng chiến như thế nào thì em diễn lại như vậy. Chỉ cần em diễn lại những gì mà em đã làm trong kháng chiến là được.”
Bà vào vai chị Sứ bằng vốn liếng của mình như vậy. Hôm đó, tất cả mọi người trong Hội đồng tuyển chọn cùng thống nhất chọn Hiệp Định đóng vai chị Sứ. Hợp đồng đóng phim được ký kết ngay buổi sáng đó.
Phim Hòn Đất được quay ròng rã trong một năm, qua rất nhiều nơi: Bửu Long, Hòn Đất, Long Hải, Châu Đốc, Nhà Bè. Chính vì vậy, năm đó cô giáo Hiệp Định phải nghỉ dạy ở trường để theo đoàn phim.
Lúc ấy con gái út của Hiệp Định mới được một tuổi và chưa dứt sữa. Lúc nào đoàn phim quay gần nhà, Hiệp Định vẫn chạy về cho con bú, còn những lần quay xa, hai bầu ngực căng tức vì ứ sữa, đợi tới đêm nước mắt mới trào ra.
Lần đầu đóng phim giữa các tên tuổi của làng điện ảnh lúc bấy giờ như Thúy An, Lý Huỳnh, Kiều Hạnh… khiến cho Hiệp Định không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Nhưng được sự khích lệ và giúp đỡ của đạo diễn Hồng Sến cũng như các diễn viên trong đoàn, bà dần dần hòa nhập.
Đối với Hiệp Định lúc đó, trách nhiệm đóng góp cho điện ảnh và thể hiện đúng con người chị Sứ với sự kiên cường, bất khuất lớn hơn cả. Bởi vậy, bà tự dặn lòng quên đi nỗi nhớ con cũng như những vất vả, thậm chí đau đớn trên phim trường để nhập vai.
Trong phim, có rất nhiều cảnh chị Sứ bị tra tấn dã man mà lúc đầu, Hiệp Định cứ đinh ninh rằng sẽ có kỹ xảo hỗ trợ. Nhưng thực tế thì không. Có rất nhiều cảnh quay mà bây giờ bà vẫn còn nhớ như in, dù mỗi lần như vậy lại khiến bà rùng mình. Như cảnh chị Sứ bị treo lên cây dừa hay cảnh chị bị thiếu tá Xằng (Nguyễn Văn Đây đóng) tát vào mặt.
Để thực hiện những cảnh quay này, Hiệp Định phải cắn răng chấp nhận bị trói giật tay ra sau rồi treo lên cây dừa. Do chưa đạt yêu cầu, cảnh này buộc phải diễn nhiều lần.
Cảnh bị thiếu tá Xằng tát cũng vậy, phải quay đi quay lại nhiều lần mà chưa đạt yêu cầu, cuối cùng cả hai cùng thống nhất với nhau về “đòn” quyết định. Thiếu tá Xằng dồn hết sức lực, còn chị Sứ cắn răng chịu đòn, mặc dù rất đau nhưng Hiệp Định cố gắng chịu đựng để sự đau đớn ấy không biểu lộ trên khuôn mặt, làm giảm đi hình ảnh của người phụ nữ anh hùng. Kết quả, sau cảnh quay này, má Hiệp Định hiện rõ năm dấu tay của Nguyễn Văn Đây.
Bộ phim kết thúc với cảnh chị Sứ bị chém đầu. Với Hiệp Định, đây cũng là một trong những cảnh quay khó nhất. Nhìn thanh mã tấu mà đạo diễn Hồng Sến mài sáng bóng, Hiệp Định sợ hãi thật sự. Mặc dù đã thỏa thuận với diễn viên Lý Huỳnh từ trước nhưng vào “giờ hành quyết”, bà vẫn không tránh khỏi lo lắng, thậm chí còn nghĩ đến tình huống xấu nhất.
Không chỉ Hiệp Định, mà diễn viên Lý Huỳnh cũng lo lắng không kém vì nếu sơ sểnh một chút, rất có thể gây ra án mạng. Bởi vậy, để bảo đảm an toàn, trên gáy của Hiệp Định có đặt một khúc dừa tươi. Đến lúc quay xong thì khúc dừa đó đã trở nên nát bét vì bị lưỡi tấu băm xuống nhiều lần. Cũng may, sau cảnh đó, bà chỉ bị đứt một ít tóc và xây xước nhẹ.
Chị Sứ có nguyên mẫu từ anh hùng Phan Thị Ràng. Khi đoàn phim về Hòn Đất quay, rất nhiều người dân xúm lại xem, trong số đó có những chiến sĩ đã từng chiến đấu cùng anh hùng Phan Thị Ràng. Nhìn Hiệp Định, rất nhiều người đã dành tình cảm cho bà vì trông bà có nhiều nét giống với Phan Thị Ràng.
Những tình cảm ấy khiến cho bà xúc động thực sự. Đặc biệt, khi đoàn phim về Nhà Bè quay, có một bà mẹ xem cảnh Hiệp Định bị tra tấn dã man như vậy tưởng thật liền cầm tay bà vừa khóc vừa bảo: “Con ơi con! Chúng nó dã man quá. Thôi con đừng đóng phim nữa, không tiền thì về má nuôi. Con đi đóng phim chi để chúng đánh đập, treo con lên như vậy rồi con chết mất thôi!”
Vĩ Thanh
Hiệp Định tên đầy đủ là Ngô Thị Hiệp Định. Sinh vào lúc Hiệp định Geneva được ký kết nên cái tên của bà cũng mang một ý nghĩa khó quên. Bà tham gia phim Hòn Đất năm 28 tuổi và bây giờ, sau 28 năm, mọi sự đã thay đổi nhiều nhưng thỉnh thoảng ra đường, vẫn có người nhận ra và gọi bà là “chị Sứ”. Những lúc như vậy, bà không chỉ vui mà còn hạnh phúc. Cái hạnh phúc đơn sơ của một người diễn viên không chuyên, qua từng ấy năm mà vẫn có người nhận ra mình.
Hồi đó, sau khi hoàn thành vai chị Sứ, Hiệp Định chia tay phim trường, về lại bục giảng. Sau này, cũng có một số lời mời đóng phim nhưng do không tìm được kịch bản phù hợp, lại không bố trí được công việc ở trường nên bà đã từ chối.
Bà cho biết, sắp tới đây khi không còn phải vướng bận về thời gian, nếu có lời mời đóng phim và kịch bản phù hợp, bà sẽ nhận lời. Hy vọng một ngày không xa, diễn viên Hiệp Định sẽ trở lại với màn ảnh ấn tượng không kém lần đầu tiên, mặc dù như bà nói là chỉ đóng được những vai… già!/.
Đi tìm chị Sứ
Hình ảnh người con gái xứ Hòn Đất (Kiên Giang) với suối tóc dài chấm gót, suối tóc đã bảo vệ chị trước những nhát chém của quân thù, nằm lòng trong nhiều thế hệ cùng với tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức và bộ phim cùng tên của đạo diễn tài danh Hồng Sến. Nhưng Hiệp Định, diễn viên của một vai duy nhất - chị Sứ, thì đã “biến mất” khỏi làng điện ảnh.
Có người bảo bà đang ở Hòn Đất (Kiên Giang). Nhưng nghệ sỹ ưu tú, diễn viên Hà Xuyên thì khẳng định bà là khách quen của một tiệm chuối nướng trên đường Nguyễn Văn Thủ, Thành phố Hồ Chí Minh. Tới nơi, đúng là có một hàng chuối nướng ở đấy.
Người bán hàng cho biết gần một năm nay Hiệp Định không ghé qua đó nữa, nhưng bà rất nhiệt tình nhờ người trông hàng để đưa chúng tôi đến một chung cư cũ nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Thủ.
Những tưởng ra mở cửa là… chị Sứ, nhưng không, một bà cụ cho biết, Hiệp Định đã chuyển sang quận 7, nhưng không rõ địa chỉ. Căn phòng cũ hiện đang được một gia đình khác thuê.
Thử vận may, chúng tôi để lại số điện thoại nhờ bà cụ giúp để có thể liên lạc được với diễn viên Hiệp Định. Hai hôm sau, có một tin nhắn cho biết số điện thoại của diễn viên Hiệp Định. Vậy là chúng tôi đã tìm được “chị Sứ” ở Sài Gòn.
Những ngày tháng không quên
Hiệp Định nay đã về hưu, hiện bà cùng chồng và con gái thứ hai sống trong một căn nhà ở phường Tân Phong, quận 7. Một không gian yên tĩnh, mát mẻ là lựa chọn của bà lúc về hưu với niềm vui nội trợ và chăm sóc cháu ngoại. Nhưng lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn bà, vẫn còn những ngày theo đoàn làm phim Hòn Đất, khó mà quên được.
Năm 1982, đoàn phim Hòn Đất đang tìm kiếm diễn viên đóng vai chị Sứ. Do có anh trai làm trong xưởng phim, hơn nữa, đạo diễn Hồng Sến còn là học trò của bố bà nên giữa hai người đã có sự quen biết.
Một lần, đạo diễn Hồng Sến đến nhà chơi, nhận thấy trong dáng dấp đậm chất Nam Bộ của Hiệp Định có hình ảnh của chị Sứ nên đã mời bà tới Xưởng phim Tổng hợp để thử vai. Lúc bấy giờ, Hiệp Định đang là giáo viên dạy sử của trường Trung học Sư phạm Sài Gòn.
Trước lời mời của đạo diễn Hồng Sến, bà cảm thấy ngỡ ngàng khi mình không qua một trường lớp nào về đào tạo diễn viên, nếu đi đóng phim sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, bà vẫn đến thử vai dù không nghĩ là mình sẽ được chọn.
Đạo diễn Hồng Sến giao cho bà phân đoạn chị Sứ lúc ở kháng chiến, đó cũng là đoạn khó nhất trong phim cùng lời động viên: “Hồi trước em tham gia kháng chiến, cuộc sống trong kháng chiến như thế nào thì em diễn lại như vậy. Chỉ cần em diễn lại những gì mà em đã làm trong kháng chiến là được.”
Bà vào vai chị Sứ bằng vốn liếng của mình như vậy. Hôm đó, tất cả mọi người trong Hội đồng tuyển chọn cùng thống nhất chọn Hiệp Định đóng vai chị Sứ. Hợp đồng đóng phim được ký kết ngay buổi sáng đó.
Phim Hòn Đất được quay ròng rã trong một năm, qua rất nhiều nơi: Bửu Long, Hòn Đất, Long Hải, Châu Đốc, Nhà Bè. Chính vì vậy, năm đó cô giáo Hiệp Định phải nghỉ dạy ở trường để theo đoàn phim.
Lúc ấy con gái út của Hiệp Định mới được một tuổi và chưa dứt sữa. Lúc nào đoàn phim quay gần nhà, Hiệp Định vẫn chạy về cho con bú, còn những lần quay xa, hai bầu ngực căng tức vì ứ sữa, đợi tới đêm nước mắt mới trào ra.
Lần đầu đóng phim giữa các tên tuổi của làng điện ảnh lúc bấy giờ như Thúy An, Lý Huỳnh, Kiều Hạnh… khiến cho Hiệp Định không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Nhưng được sự khích lệ và giúp đỡ của đạo diễn Hồng Sến cũng như các diễn viên trong đoàn, bà dần dần hòa nhập.
Đối với Hiệp Định lúc đó, trách nhiệm đóng góp cho điện ảnh và thể hiện đúng con người chị Sứ với sự kiên cường, bất khuất lớn hơn cả. Bởi vậy, bà tự dặn lòng quên đi nỗi nhớ con cũng như những vất vả, thậm chí đau đớn trên phim trường để nhập vai.
Trong phim, có rất nhiều cảnh chị Sứ bị tra tấn dã man mà lúc đầu, Hiệp Định cứ đinh ninh rằng sẽ có kỹ xảo hỗ trợ. Nhưng thực tế thì không. Có rất nhiều cảnh quay mà bây giờ bà vẫn còn nhớ như in, dù mỗi lần như vậy lại khiến bà rùng mình. Như cảnh chị Sứ bị treo lên cây dừa hay cảnh chị bị thiếu tá Xằng (Nguyễn Văn Đây đóng) tát vào mặt.
Để thực hiện những cảnh quay này, Hiệp Định phải cắn răng chấp nhận bị trói giật tay ra sau rồi treo lên cây dừa. Do chưa đạt yêu cầu, cảnh này buộc phải diễn nhiều lần.
Cảnh bị thiếu tá Xằng tát cũng vậy, phải quay đi quay lại nhiều lần mà chưa đạt yêu cầu, cuối cùng cả hai cùng thống nhất với nhau về “đòn” quyết định. Thiếu tá Xằng dồn hết sức lực, còn chị Sứ cắn răng chịu đòn, mặc dù rất đau nhưng Hiệp Định cố gắng chịu đựng để sự đau đớn ấy không biểu lộ trên khuôn mặt, làm giảm đi hình ảnh của người phụ nữ anh hùng. Kết quả, sau cảnh quay này, má Hiệp Định hiện rõ năm dấu tay của Nguyễn Văn Đây.
Bộ phim kết thúc với cảnh chị Sứ bị chém đầu. Với Hiệp Định, đây cũng là một trong những cảnh quay khó nhất. Nhìn thanh mã tấu mà đạo diễn Hồng Sến mài sáng bóng, Hiệp Định sợ hãi thật sự. Mặc dù đã thỏa thuận với diễn viên Lý Huỳnh từ trước nhưng vào “giờ hành quyết”, bà vẫn không tránh khỏi lo lắng, thậm chí còn nghĩ đến tình huống xấu nhất.
Không chỉ Hiệp Định, mà diễn viên Lý Huỳnh cũng lo lắng không kém vì nếu sơ sểnh một chút, rất có thể gây ra án mạng. Bởi vậy, để bảo đảm an toàn, trên gáy của Hiệp Định có đặt một khúc dừa tươi. Đến lúc quay xong thì khúc dừa đó đã trở nên nát bét vì bị lưỡi tấu băm xuống nhiều lần. Cũng may, sau cảnh đó, bà chỉ bị đứt một ít tóc và xây xước nhẹ.
Chị Sứ có nguyên mẫu từ anh hùng Phan Thị Ràng. Khi đoàn phim về Hòn Đất quay, rất nhiều người dân xúm lại xem, trong số đó có những chiến sĩ đã từng chiến đấu cùng anh hùng Phan Thị Ràng. Nhìn Hiệp Định, rất nhiều người đã dành tình cảm cho bà vì trông bà có nhiều nét giống với Phan Thị Ràng.
Những tình cảm ấy khiến cho bà xúc động thực sự. Đặc biệt, khi đoàn phim về Nhà Bè quay, có một bà mẹ xem cảnh Hiệp Định bị tra tấn dã man như vậy tưởng thật liền cầm tay bà vừa khóc vừa bảo: “Con ơi con! Chúng nó dã man quá. Thôi con đừng đóng phim nữa, không tiền thì về má nuôi. Con đi đóng phim chi để chúng đánh đập, treo con lên như vậy rồi con chết mất thôi!”
Vĩ Thanh
Hiệp Định tên đầy đủ là Ngô Thị Hiệp Định. Sinh vào lúc Hiệp định Geneva được ký kết nên cái tên của bà cũng mang một ý nghĩa khó quên. Bà tham gia phim Hòn Đất năm 28 tuổi và bây giờ, sau 28 năm, mọi sự đã thay đổi nhiều nhưng thỉnh thoảng ra đường, vẫn có người nhận ra và gọi bà là “chị Sứ”. Những lúc như vậy, bà không chỉ vui mà còn hạnh phúc. Cái hạnh phúc đơn sơ của một người diễn viên không chuyên, qua từng ấy năm mà vẫn có người nhận ra mình.
Hồi đó, sau khi hoàn thành vai chị Sứ, Hiệp Định chia tay phim trường, về lại bục giảng. Sau này, cũng có một số lời mời đóng phim nhưng do không tìm được kịch bản phù hợp, lại không bố trí được công việc ở trường nên bà đã từ chối.
Bà cho biết, sắp tới đây khi không còn phải vướng bận về thời gian, nếu có lời mời đóng phim và kịch bản phù hợp, bà sẽ nhận lời. Hy vọng một ngày không xa, diễn viên Hiệp Định sẽ trở lại với màn ảnh ấn tượng không kém lần đầu tiên, mặc dù như bà nói là chỉ đóng được những vai… già!/.
(TT&VH cuối tuần/Vienam+)