Trong những ngày này, khi cả dân tộc Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ở tận Tây Bán Cầu, tôi đã tìm gặp nhà báo Cuba Luis Manuel Arce, một trong những phóng viên đã theo sát từng diễn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Ông là phóng viên chiến trường nước ngoài đầu tiên vượt vĩ tuyến 17, theo sát bước tiến thần tốc của các anh bộ đội Cụ Hồ để tường thuật lại cho bạn bè thế giới về thời khắc lịch sử vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong những ngày xuân đại thắng năm 1975.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành ném bom đánh phá miền Bắc. Để có thể thông tin một cách chân thực nhất về cuộc chiến của đế quốc Mỹ, báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, đã cử chàng phóng viên Luis Manuel Arce, lúc đó mới 25 tuổi, tới Việt Nam vào đầu năm 1965.
Mặc dù đã ở tuổi 70, nhưng ông vẫn còn nhớ rất rõ từng sự việc. Ông kể lại cho tôi những ngày tháng bom đạn ác liệt khi Mỹ ném bom tại cảng Hải Phòng, 12 ngày và đêm không ngủ khi Mỹ ném bom rải thảm tại Hà Nội. Tôi có cảm giác dường như trong ông đang sống lại những ngày tháng của thời trai trẻ, của người phóng viên chiến trường không nề hà hiểm nguy.
Câu chuyện lúc trầm lúc bổng, với những nụ cười rạng rỡ khi ông nhớ về niềm vui chiến thắng cùng nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không và cả những giọt nước mắt khi ông nhớ lại hình ảnh một em bé bị chết thảm dưới những làn bom B52 tại Khâm Thiên.
Ông Arce cho biết, từ năm 1965 đến ngày thống nhất đất nước, ông thường xuyên có mặt tại Việt Nam để có thể thông tin kịp thời nhất cho bạn đọc tại Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung về những tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam.
Theo lời ông kể, cuối tháng 3/1975, ông đã xin phép Thủ tướng Phạm Văn Đồng được vượt vĩ tuyến 17, theo đoàn Quân giải phóng Nam tiến. Ông cho biết không ngờ đề nghị của ông ngay lập tức đã được Thủ tướng chấp nhận với một điều kiện duy nhấtlà các phóng viên Cuba phải tự túc phương tiện và xăng dầu.
Ngay lập tức người phóng viên chiến trường kỳ cựu cùng với phóng viên ảnh Cuba Walfrido Ojeda và phiên dịch Trịnh Huy Quang đã vào cuộc. Họ rời Hà Nội, dọc theo Quốc lộ 1 và Nam tiến.
Ông Arce nhớ lại: “Sau nhiều năm chờ đợi, chúng tôi đã vượt vĩ tuyến 17, ranh giới địa lý từng chia cắt miền Bắc và miền Nam. Khi xe chúng tôi vượt cây cầu bắc qua sông Bến Hải, tất cả chúng tôi nhảy xuống xe. Anh Quang phiên dịch, bác lái xe và anh dẫn đường cùng hai phóng viên Cuba chúng tôi đều cảm thấy vô cùng xúc động. Chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào trong nước mắt. Đã hơn 40 năm, bác lái xe không được gặp người thân của mình sống tại Sài Gòn và bác hy vọng trong chuyến đi này sẽ gặp lại họ. Cho tới giờ phút đó, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn và chẳng ai có thể khẳng định chắc chắn rằng đất nước sẽ hoàn toàn thống nhất sau cuộc tổng tấn công lần này."
Cựu phóng viên chiến trường này kể rằng chiếc xe Jeep có cắm cờ Cuba của họ lần lượt đi qua Đông Hà, Thành cổ Quảng Trị, cố đô Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột... Trên đường tiến vào Sài Gòn, phóng viên Arce đã chứng kiến những cảnh ngổn ngang, hỗn độn vừa sót lại của một cuộc chiến, vẫn còn nguyên đó mùi súng đạn, máu và nước mắt. Quân phục, ủng, thắt lưng, súng đạn đủ các loại, lon bia của lính ngụy vứt bừa bãi khắp nơi, bằng chứng hoảng loạn của những kẻ bại trận.
“Rất vinh dự và may mắn, tôi là phóng viên nước ngoài đầu tiên được tận mắt chứng kiến những gì còn sót lại tại Đại sứ quán Mỹ lúc đó. Lá cờ Mỹ nằm tả tơi dưới đất. Những kẻ xâm lăng còn không kịp tháo chúng khỏi cột cờ. Chúng cũng không có thời gian để hủy tài liệu. Thậm chí trên máy chữ của nữ thư ký đại sứ vẫn còn một bức thư đang đánh dở và bên cạnh là chiếc bánh sandwich chưa kịp ăn xong,” ông Acre nhớ lại.
Ông Arce cho biết đã "vô cùng ấn tượng" với thành phố Sài Gòn lúc đó bởi nó hoàn toàn khác lạ so với miền Bắc. Đó là hình ảnh của một bộ phim Mỹ, với những tòa nhà và biệt thự kiến trúc Pháp đan xen kiến trúc Mỹ, rạp chiếu phim khắp mọi nơi, quán càphê, quán bar với đủ các loại đồ uống lạnh, xe máy, gái điếm, kẻ nghiện ma túy, những đứa con lai da trắng, da đen...
“Đó là một cảm giác khó tả đối với tôi, một người từng sống nhiều năm ở ngoài Bắc và chưa từng tới Sài Gòn," ông nói.
Sau đó, vào năm 1976, phóng viên Arce cùng với nữ anh hùng Moncada Marta Hernandez, Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam thời bấy giờ, đạo diễn nổi tiếng người Cuba Santiago Alvarez, người đã thực hiện bộ phim “79 mùa xuân” về Bác Hồ và nhà báo Marta Roja đại diện cho Cuba đã tham dự lễ đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Trở lại Việt Nam lần cuối cùng vào năm 1981, nay người cựu phóng viên này mong muốn một ngày nào đó được trở lại để tận mắt chứng kiến những đổi thay, những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam anh em đã đạt được trong công cuộc đổi mới.
Ông bùi ngùi: “Tôi muốn tận mắt nhìn thấy đất nước Việt Nam 10 lần đẹp hơn, như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”./.