Sau cuộc họp ngày 8/6 tại thành phố Riyadh của Saudi Arabia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã ra tuyên bố chung về việc đạt được sự ổn định chính trị và kinh tế trong khu vực Trung Đông.
Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng và triển vọng hứa hẹn của các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hội nhập và kết nối khu vực, góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của Trung Đông.
Ngoại trưởng các nước GCC và Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực trên toàn thế giới, đồng thời hoan nghênh cuộc họp cấp bộ trưởng của Liên minh toàn cầu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, được tổ chức ngày 8/6 tại Riyadh.
Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế.
GCC và Mỹ khẳng định cam kết đối với tự do hàng hải và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như chống lại các hành động bất hợp pháp trên biển có thể đe dọa các tuyến hàng hải, thương mại quốc tế và các cơ sở khai thác dầu trong khu vực GCC.
Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tiếp tục kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Về cuộc xung đột ở Yemen, tuyên bố chung Mỹ-GCC đánh giá cao những nỗ lực của Saudi Arabia, Oman và Liên hợp quốc, đồng thời hy vọng các bên sẽ sớm đạt được một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột ở Yemen.
[Yemen thành lập ủy ban chính trị để giám sát tiến trình hòa bình]
Về vấn đề Israel-Palestine, Mỹ và GCC hướng tới việc đạt được hòa bình lâu dài ở Trung Đông phù hợp với giải pháp hai nhà nước và đường biên giới năm 1967.
Hai bên cũng tái khẳng định cam kết đạt được giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về vấn đề Iraq, các quan chức ngoại giao đã thảo luận về tầm quan trọng của các nỗ lực do dân sự lãnh đạo, bao gồm cải cách kinh tế để đảm bảo người dân Iraq được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước này, cũng như đảm bảo việc các cộng đồng phục hồi sau xung đột.
Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nhà ngoại giao nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc./.