Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Hà Lan NOS ngày 25/8 đưa tin một bệnh nhân ở nước này và một bệnh nhân ở Bỉ vừa được xác nhận tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo về một trường hợp mắc lại bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hơn bốn tháng sau khi khỏi bệnh.
NOS dẫn lời chuyên gia về virus, đồng thời là cố vấn của Chính phủ Hà Lan, bà Marion Koopmans, cho biết bệnh nhân người nước này đã cao tuổi, bị suy giảm hệ miễn dịch.
Theo bà, cần xét nghiệm gene của virus SARS-CoV-2 trong cả hai lần mắc để xem chúng có khác biệt gì không, cũng như phải nghiên cứu liệu việc tái nhiễm này có xảy ra thường xuyên không.
Trong khi đó, chuyên gia về virus người Bỉ Marc Van Ranst thông báo bệnh nhân người nước này chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Ông cùng các đồng nghiệp đã phân tích bộ gene của virus trong 2 lần mắc tại phòng thí nghiệm và phát hiện ra rằng sau ba tháng khỏi bệnh, bệnh nhân đã nhiễm lại virus SARS-CoV-2 đã biến thể, với 11 dấu hiệu đột biến.
ác nhà nghiên cứu đang phân tích tác động của phát hiện này đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
[FDA xin lỗi vì nói sai về hiệu quả huyết tương trong điều trị COVID-19]
Ông Van Ranst cho rằng đây có thể chỉ là những trường hợp ngoại lệ, song điều này cho thấy khó có khả năng chủng ngừa có thể chống lại những chủng virus viêm đường hô hấp mới này cả đời. Tuy nhiên, ông hy vọng khả năng miễn dịch sẽ kéo dài hơn bốn tháng và hầu hết các loại vắcxin phòng COVID-19 sẽ đạt tác dụng như vậy.
Trước đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã thông báo trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận mắc trở lại bệnh này.
Trường hợp nói trên là một nam giới người Hong Kong, 33 tuổi, mắc COVID-19 cuối tháng Ba vừa qua và xuất viện giữa tháng Tư. Người này mới đây đi du lịch Tây Ban Nha qua Anh, sau khi trở về Hong Kong ngày 15/8 vừa qua lại có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trước khi phát hiện dương tính trở lại với virus, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Clinical Infectious Diseases, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho biết bệnh nhân trên đã nhiễm một biến chủng virus khác với chủng virus corona trong lần mắc bệnh đầu tiên. Khi tái nhiễm, người này không xuất hiện triệu chứng bệnh.
Qua đối chiếu trình tự gene virus, các nhà khoa học nhận thấy virus trong lần mắc đầu tiên của bệnh nhân có liên quan mật thiết với các biến thể virus được thu thập trong tháng 3 và tháng Tư, trong khi biến thể virus trong lần nhiễm thứ hai của bệnh nhân liên quan các biến thể được thu thập trong tháng Bảy và Tám.
Nhóm nghiên cứu Hong Kong cảnh báo bệnh COVID-19 có thể tiếp tục lây lan trên toàn cầu dù có nơi đạt được miễn dịch cộng đồng./.