Hong Kong ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc lại COVID-19

Trường hợp nói trên là một nam giới người Hong Kong, 33 tuổi, mắc COVID-19 cuối tháng 3 vừa qua và xuất viện giữa tháng 4; trước khi phát hiện dương tính trở lại với virus, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh.
Hong Kong ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc lại COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bình phục tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) vừa được xác nhận mắc lại bệnh này sau hơn 4 tháng khỏi bệnh.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong ngày 24/8 đã thông báo trường hợp trên, cho biết đây là trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên thế giới được ghi nhận mắc trở lại bệnh này.

Trường hợp nói trên là một nam giới người Hong Kong, 33 tuổi, mắc COVID-19 cuối tháng 3 vừa qua và xuất viện giữa tháng 4.

[Hong Kong sẽ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân]

Người này mới đây đi du lịch Tây Ban Nha qua Anh, sau khi trở về Hong Kong ngày 15/8 vừa qua lại có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Trước khi phát hiện dương tính trở lại với virus, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh.

Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Clinical Infectious Diseases, các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong cho biết bệnh nhân trên đã nhiễm một biến chủng virus khác với chủng virus trong lần mắc bệnh đầu tiên.

Khi tái nhiễm, người này không xuất hiện triệu chứng bệnh.

Qua đối chiếu trình tự gene virus, các nhà khoa học nhận thấy virus trong lần mắc đầu tiên của bệnh nhân có liên quan mật thiết với các biến thể virus được thu thập trong tháng 3 và tháng 4, trong khi biến thể virus trong lần nhiễm thứ 2 của bệnh nhân liên quan các biến thể được thu thập trong tháng 7 và 8.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo bệnh COVID-19 có thể tiếp tục lây lan trên toàn cầu dù có nơi đạt được miễn dịch cộng đồng.

Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia vi trùng học Kelvin Kai-Wang To tại Đại học Hong Kong và là người dẫn đầu nghiên cứu trên, nhấn mạnh: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy miễn nhiễm COVID không phải là suốt đời, trên thực tế, tái nhiễm có thể xảy ra rất nhanh."

Nhà nghiên cứu này nêu rõ: "Bệnh nhân COVID-19 không nên nghĩ rằng sau khi bình phục họ sẽ không mắc lại bệnh này." Theo đó, ông khuyến cáo những người đã khỏi bệnh cần phải thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay, đồng thời phải tiến hành xét nghiệm nếu xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm.

Trong khi đó, bác sỹ Kai-Wang To, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh phát hiện trên không đồng nghĩa tiêm vaccine là vô ích. Ông nêu rõ: "Miễn dịch nhờ tiêm vaccine có thể khác với miễn dịch do nhiễm tự nhiên. Cần chờ kết quả thử nghiệm vaccine để xem hiệu quả đến đâu.”

Chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng không nên vội vàng phỏng đoán từ ca bệnh nói trên tại Hong Kong.

Chuyên gia và cố vấn về COVID-19 tại Anh Jeffrey Barrett cũng cho rằng khó đưa ra kết luận từ một trường hợp đơn lẻ.

Trung Quốc đại lục cũng phát hiện một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại với virus sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, những ca bệnh này chưa được làm rõ tái nhiễm sau khi đã hoàn toàn bình phục, hay do trong cơ thể vẫn còn virus sau khi khỏi bệnh.

Tháng Năm vừa qua, thành viên nhóm chuyên gia của Chính phủ Trung Quốc về điều trị COVID-19, Wang Guiqiang công bố số bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc đại lục có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi xuất viện chiếm tỷ lệ 5-15%.

Một trong những cách lý giải nguyên nhân là virus vẫn tồn tại trong phổi bệnh nhân và không được phát hiện khi lấy mẫu bệnh phẩm từ đường hô hấp trên.

Các nguyên nhân khác có thể là xét nghiệm có độ nhạy kém hoặc miễn dịch của bệnh nhân yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục