Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Hàn Quốc tiếp tục xu hướng tăng kỷ lục

Tại Hàn Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 10 tăng 0,8% lên 112,21 so với một tháng trước; chỉ số này tiếp tục phá các kỷ lục trước đó trong bảy tháng liên tiếp kể từ tháng Tư.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Hàn Quốc tiếp tục xu hướng tăng kỷ lục ảnh 1Lạm phát ở Hàn Quốc tăng 3,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, với chi phí vận tải tăng vọt do ảnh hưởng của giá năng lượng. (Nguồn: pulsenews.co.kr)

Số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 19/11 cho thấy giá cả hàng hóa và dịch vụ trong số các nhà cung ứng Hàn Quốc vẫn giữ xu hướng phá kỷ lục do giá dầu thô tăng cao.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 10 đã tăng 0,8%, lên 112,21 so với một tháng trước. Chỉ số này tiếp tục phá các kỷ lục trước đó trong bảy tháng liên tiếp kể từ tháng Tư. So với một năm trước, chỉ số này tăng 8,9% trong tháng 10, đánh dấu mức tăng nhanh nhất trong 13 năm kể từ tháng 10/2008.

Giá sản xuất đối với các sản phẩm công nghiệp, gồm sản phẩm dầu mỏ, tăng 1,8% trong tháng 10 so với tháng trước, duy trì đà tăng 17 tháng liên tiếp. Giá than và các sản phẩm dầu mỏ tăng 12,6% và giá các sản phẩm kim loại và hóa chất gốc tăng 2,5% và 1,7% tương ứng trong tháng 10 so với một tháng trước đó.

Cũng trong tháng 10, giá các sản phẩm nông nghiệp, gia súc và ngư nghiệp giảm 4,7% so với 1 tháng trước đó, trong khi giá dịch vụ trong các nhà cung cấp không thay đổi so với tháng Chín vừa qua.

[Hàn Quốc: Nguồn thu từ thuế gia tăng nhờ kinh tế phục hồi]

Đầu tháng 11 vừa qua, Văn phòng Thống kê Hàn Quốc cho biết lạm phát ở nước này đã tăng 3,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ 2020. Mức tăng này gần bằng dự đoán trước đó của các chuyên gia là 3,3%.

Lạm phát tháng 10 được thúc đẩy bởi chi phí vận tải tăng vọt 10,4%, do ảnh hưởng giá năng lượng. Phí liên lạc cũng tăng 13,1% so với năm ngoái. Các chỉ số thành phần như tiện ích, thực phẩm, nhà hàng và chỗ ở cũng đóng góp đáng kể.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản của Hàn Quốc, không bao gồm nông nghiệp và giá dầu mỏ, đạt 2,8% so với cùng kỳ 2020, cũng là mức cao nhất kể từ năm 2012.

Các quan chức ngân hàng trung ương Hàn Quốc cảnh báo áp lực lạm phát cao có thể kéo dài hơn dự kiến, do tác động của sụt giảm nguồn cung làm ảnh hưởng đến giá trong nước. Cùng với đó, quan điểm chuyển sang "sống chung an toàn với COVID-19" đã thúc đẩy nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục