Giá dầu châu Á tăng khi dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lên mức 74,86 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng lên mức 72,07 USD/thùng.
Giá dầu châu Á tăng khi dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại một trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa. Yonhap/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 28/7 sau khi số liệu trong ngành cho thấy dự trữ dầu thô và sản phẩm từ dầu mỏ của Mỹ giảm nhiều hơn so với dự kiến trong tuần vừa qua.

Điều này càng củng cố kỳ vọng của giới đầu tư rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng nguồn cung, giữa bối cảnh số ca lây nhiễm dịch COVID-19 gia tăng nhanh.

Vào lúc 13 giờ 41 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 38 xu Mỹ (hay 0,5%) lên 74,86 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 42 xu Mỹ (0,6%), lên 72,07 USD/thùng.

Chuyên gia chiến lược Margaret Yang thuộc tổ chức DailyFX ở Singapore cho biết giá dầu đang dịch chuyển theo hướng đồng USD yếu đi và thông tin của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) về dự trữ dầu thô và dự trữ xăng của nền kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt giảm 4,7 triệu thùng và 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/7.

Tuy nhiên, chuyên gia Yang lưu ý: “Nhưng đà tăng trưởng dường như yếu đi trong bối cảnh lo ngại về các biến thể của virus SARS-CoV-2 và lệnh phong tỏa ở một số nơi trên thế giới."

[Giá dầu và giá vàng thế giới biến động trái chiều trong phiên 27/7]

Giới đầu tư đang ngóng chờ dữ liệu ngày 28/7 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) để xác nhận sự sụt giảm trong kho dự trữ.

Nhu cầu xăng dầu ở Mỹ phục hồi gần mức năm 2019. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi trong mùa Hè có thể chậm lại do dịch COVID-19 bùng phát trở lại và việc thay đổi cấu trúc của mô hình di chuyển đi lại.

Trước đó, ngày 27/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021, nâng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và những nền kinh tế giàu có khác, nhưng cắt giảm ước tính đối với những nước đang phát triển phải chật vật đối phó với dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục