OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ từ tháng Tám

Trong tuyên bố ngày 18/7, OPEC+ cho biết 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng Tám đến tháng Mười Hai tới sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày.
OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ từ tháng Tám ảnh 1Các bể chứa tại một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Dammam (Saudi Arabia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/7, nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô từ tháng Tám tới nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu khi đại dịch lắng dịu.

Trong tuyên bố, OPEC+ cho biết 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng Tám đến tháng Mười Hai tới sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức là mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày.

Nhóm này sẽ "đánh giá các diễn biến thị trường" vào tháng Mười Hai tới. OPEC+ cũng nhất trí kéo dài thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2022, thay vì đến tháng 4/2022 như kế hoạch trước đó.

Tháng Tư năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ đã thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày và sẽ khôi phục dần nguồn cung cho đến tháng 4/2022. Quyết định này đã cho thấy hiệu quả, theo đó đẩy giá dầu tăng 50% kể từ đầu năm nay.

[OPEC+ nhóm họp ngày 18/7 để giải quyết tranh cãi về sản lượng]

Tại cuộc họp của OPEC+ đầu tháng này, các nước thành viên đã không nhất trí được về các kế hoạch từng bước nới lỏng biện pháp cắt giảm sản lượng. Bế tắc xuất phát từ bất đồng giữa Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Hai nước này đều ủng hộ tăng sản lượng ngay lập tức, song UAE phản đối ý tưởng của Saudi Arabia gia hạn thỏa thuận nới lỏng cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 nếu UAE không có được hạn ngạch sản lượng cao hơn.

Để khai thông thế bế tắc, OPEC+ đã nhất trí về hạn ngạch sản lượng mới cho một số thành viên từ tháng 5/2022, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq. Theo đó, hạn ngạch cơ sở của UAE sẽ được nâng từ 3,168 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, hạn ngạch cơ sở của Saudi Arabia và Nga sẽ tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày từ mức 11 triệu thùng/ngày hiện nay. Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail bin Mohammed al-Mazroui cho biết nước này "hài lòng" với thỏa thuận trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Càphê đặc sản của Đắk Lắk đã có mặt ở thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Xây dựng càphê đặc sản vươn tầm thế giới

Là thủ phủ càphê Việt Nam, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng hệ sinh thái càphê đặc sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh mua vàng trong ngày giá vàng tăng cao. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Giao dịch sôi động trong ngày giá vàng tăng kỷ lục

Theo một chủ tiệm vàng trên địa bàn quận Bình Thạnh, hoạt động mua bán sôi động diễn ra nhiều ngày nay trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục tăng, kéo theo đà tăng của thị trường trong nước.

Rượu vang được bày bán tại cửa hàng ở Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân châu Âu sẽ quay lưng với hàng hóa Mỹ?

Dữ liệu gần đây về thuế quan và quyết định mua sắm của người tiêu dùng EU cho thấy: khi giá một sản phẩm tăng do thuế nhập khẩu cao hơn, người tiêu dùng sẽ tìm đến lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg. ( Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Hồ tiêu vào vụ, giá cao nhất trong gần 10 năm qua

Giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg, cao nhất trong gần 10 năm qua, khiến nông dân phấn khởi, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới được dự báo vẫn tiếp tục cao.