Giá dầu, giá vàng đều đi xuống trong phiên giao dịch chiều 8/6

Giá dầu, giá vàng châu Á đều đi xuống trong phiên chiều 8/6

Quan chức chi nhánh ngân hàng Mizuho tại New York Bob Yawger cho biết, nhập khẩu dầu của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 5 tháng - thông tin “ngầm” khẳng định sự suy yếu ở thị trường châu Á.
Giá dầu, giá vàng châu Á đều đi xuống trong phiên chiều 8/6 ảnh 1Giá dầu châu Á tiếp tục giảm trong phiên chiều 8/6. (Nguồn: themoscowtimes.com)

Giá dầu châu Á tiếp tục giảm trong phiên chiều 8/6 do những lo ngại về sự phục hồi mong manh nhu cầu dầu thô và nhiên liệu trên thế giới, sau số liệu cho thấy nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã giảm trong tháng 5/2021.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 49 xu Mỹ (0,7%) xuống 71 USD/thùng, sau khi giảm 0,6% đêm qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 44 xu Mỹ (0,6%) xuống 68,79 USD/thùng, sau khi giảm 0,6% trong phiên trước đó.

Bob Yawger, một quan chức làm việc tại chi nhánh của ngân hàng Mizuho tại New York cho biết, nhập khẩu dầu của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 5 tháng, thông tin này có xu hướng “ngầm” khẳng định sự suy yếu ở thị trường châu Á.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5/2021 đã giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020, với số lượng dầu nhập khẩu hàng ngày ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay do công tác bảo trì tại các nhà máy lọc dầu.

Giá dầu thô vốn đã tăng trong những tuần gần đây, trong đó dầu Brent tăng gần 40% và dầu WTI tăng hơn 40% trong năm nay nhờ đồn đoán nhu cầu sẽ tăng trở lại khi một số nước thành công trong chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19.

Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, hạn chế nguồn cung cũng đã giúp hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ đang phải trải qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, qua đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dự báo nhu cầu “vàng đen” trên thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.

[Thị trường phiên 7/6: Vàng tăng, dầu giảm, chứng khoán ngược hướng]

Trong phiên giao dịch chiều 8/6, giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống, trước sự mạnh lên của đồng USD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng chờ đợi số liệu về kinh tế Mỹ công bố vào cuối tuần này để đánh giá áp lực lạm phát và xu hướng chính sách tiền tệ của của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 8/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.896,20 USD/ounce. Phiên này, chỉ số đồng USD tăng 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác.

Margaret Yang, chiến lược gia tại DailyFX, nhận định lạm phát đang gia tăng trong những tuần gần đây và các nhà giao dịch hiện chờ đợi số liệu của Mỹ trong tuần này để đánh giá mức độ tăng của giá cả. Dự kiến, Mỹ sẽ công bố báo cáo giá tiêu dùng vào ngày 10/6 tới.

Theo chiến lược gia Margaret Yang, số liệu về lạm phát có tác động hai chiều đến vàng. Về mặt tích cực, vàng được coi là công cụ chống lạm phát, theo đó, lạm phát càng cao, vàng càng hấp dẫn. Song, về mặt tiêu cực, lạm phát tăng lại làm dấy lên lo ngại về triển vọng Fed thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản.

Trong khi đó, nhà phân tích Jeffrey Halley tại OANDA, cho rằng cho đến khi lạm phát vẫn diễn biến bất thường, giá vàng sẽ “vật lộn” để duy trì mức tăng trên 1.900 USD/ounce.

Theo nhà phân tích này, giá vàng sẽ giữ trong biên độ 1.860-1.900 USD/ounce trong tuần này, sau khi vọt lên mức cao 1.917 USD/ounce trong tuần trước.

Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,6% xuống 1.037,33 tấn tính đến ngày 7/6, so với mức 1.043,16 tấn trong ngày 4/6.

Tại thị trường Hà Nội, chiều 8/6, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,70-57,32 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục