Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch ngày 21/4

Các nhà phân tích cho biết, sự biến động của thị trường có thể sẽ sớm tăng trở lại, với việc EU vẫn đang cân nhắc lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga vì hành động triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine
Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch ngày 21/4 ảnh 1Nhà máy lọc dầu tại al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 21/4 do lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt trước khả năng Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu của Nga. Diễn biến này xảy ra chỉ vài ngày sau khi nguồn cung từ Libya gián đoạn gây ảnh hưởng tới thị trường.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 1,26 USD (1,23%), lên 103,45 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 1,32 USD (1,24%), lên 108,12 USD/thùng.

Các nhà phân tích cho biết, sự biến động của thị trường có thể sẽ sớm tăng trở lại, với việc EU vẫn đang cân nhắc lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga vì hành động triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Vandana Hari, người sáng lập công ty cung cấp dịch vụ phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết: “Các cuộc thảo luận của EU về việc cấm hoặc loại bỏ việc mua dầu của Nga, tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến giá dầu thô trong những ngày gần đây, đang nóng trở lại nhưng vẫn chưa được giải quyết. Điều này có thể giới hạn giá dầu thô trong một phạm vi dao động tương đối hẹp.”

[Giá dầu châu Á phục hồi trước lo ngại về thắt chặt nguồn cung]

Libya, một thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 20/4 cho biết sản lượng dầu của nước này đang mất hơn 550.000 thùng mỗi ngày do các lệnh phong tỏa tại các mỏ khai thác chính và các bến cảng xuất khẩu.

Trong khi đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên thị trường, khi nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đang dần nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới đại dịch COVID-19, vốn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh những rủi ro ở Trung Quốc khi cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần 1 điểm phần trăm vào hôm 19/4 vừa qua.

Thị trường dầu mỏ vẫn đang căng thẳng với việc OPEC và các đồng minh do Nga đứng đầu, còn gọi là OPEC+, đang vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng, trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 15/4.

Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty tư vấn hàng hóa OANDA, cho biết: “Tôi tiếp tục kỳ vọng rằng giá dầu Brent sẽ dao động trong phạm vi 100 USD-120 USD/thùng, còn giá dầu WTI sẽ nằm trong khoảng 95 USD-115 USD/thùng.

Một lệnh cấm vận dầu mỏ tiềm tàng của châu Âu đối với Nga vào tuần tới sau cuộc bầu cử ở Pháp, có thể là nhân tố khiến giá dầu chạm mức cao nhất trong biên độ giá đã được dự báo”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục