Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm

Đà giảm sâu của giá “vàng đen” trong phiên giao dịch ngày 14/4 đã dẫn tới xu hướng đẩy mạnh mua vào hàng hóa giá hời của các nhà đầu tư.
Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm ảnh 1Một trạm bơm xăng ở New York, Mỹ, ngày 9/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường thế giới tiếp tục nối dài đà lao dốc trong ngày 15/4, do mối quan ngại dai dẳng về tình trạng dư thừa nguồn cung giữa lúc các lệnh phong tỏa xã hội đang được thực thi trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo hãng tin AFP của Pháp, giá dầu WTI đã giảm xuống còn 19,20 USD/thùng - mức thấp nhất trong 18 năm qua. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 3,6% xuống còn 28,54 USD/thùng. 

Đà giảm sâu của giá “vàng đen” trong phiên giao dịch ngày 14/4 đã dẫn tới xu hướng đẩy mạnh mua vào hàng hóa giá hời của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng làm dấy lên lo ngại rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục trên toàn cầu sẽ không đủ để bù đắp nhu cầu tiêu thụ yếu do các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội của nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ giảm ở mức kỷ lục trong năm nay, khi các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 khiến nền kinh tế bị đình trệ.

Trong báo cáo hằng tháng mới nhất công bố ngày 15/4, IEA nhận định trong cả năm 2020, nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm ở mức 9,3 triệu thùng dầu/ngày.

Riêng trong tháng Tư này, nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày so với cách đây một năm, xuống mức thấp nhất trong 25 năm. IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ trong hai tháng tiếp theo sẽ lần lượt giảm ở mức 26 triệu thùng/ngày và 15 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm bớt nguồn cung dầu mỏ sẽ cho phép nhu cầu dần phục hồi trong nửa sau của năm 2020.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo dịch COVID-19 sẽ đẩy thế giới vào tình trạng suy thoái sâu nhất trong một thế kỷ, với tăng trưởng Tổng sản phẩm (GDP) được dự báo sẽ giảm 3%.

Dù lạc quan rằng kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng 5,8%, song IMF cũng tỏ ra thận trọng rằng trong bối cảnh còn nhiều rủi ro, mọi dự báo chỉ mang tính chất thăm dò.

[OPEC+ có kế hoạch điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm sản lượng]

Cùng chung quan điểm này, IEA nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu áp lực chưa từng thấy kể từ Cuộc Đại suy thoái 1929-1930, đồng thời cảnh báo rằng kể cả khi các hạn chế được nới lỏng trong 6 tháng cuối năm nay, việc nhu cầu sụt giảm tới 9,3 triệu thùng/ngày cũng sẽ xóa sạch thành tựu của gần một thập niên tăng trưởng. 

Theo IEA, về phương diện tích cực, giới chức các nước đã có những bước đi ứng phó quyết liệt, như triển khai các chương trình kích thích khổng lồ trị giá lên tới hàng nghìn tỷ USD để giúp kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất.

Các nước cũng đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết khủng hoảng liên quan đến thị trường dầu mỏ, như thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+).

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, IEA hối thúc các khách hàng và nhà sản xuất chính cùng nhau phối hợp trong khuôn khổ Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để giảm nhẹ tác động đối với sự ổn định của thị trường.

G20 cũng đã nhất trí hỗ trợ OPEC+ cắt giảm sản lượng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố điều này sẽ giúp tăng sản lượng dầu được cắt giảm lên 20 triệu thùng/ngày, mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay. IEA nhận định các động thái của OPEC+ và G20 sẽ không thể tái cân bằng thị trường ngay lập tức.

Tuy nhiên, thông qua việc giảm bớt nguồn cung hiện đang ở mức đỉnh và làm phẳng đường cong hàng hóa dự trữ, các động thái này sẽ tạo ra một hệ thống phức tạp giúp khắc phục những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng đối với thị trường dầu mỏ hiện vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn. 

IEA cảnh báo rằng dù không một thỏa thuận khả thi nào có thể giảm nguồn cung đủ để bù đắp cho việc sụt giảm nhu cầu trong ngắn hạn, song những thành tựu trong tuần qua đã là một khởi đầu tích cực và có tiềm năng đảo ngược tình trạng tích trữ hàng hóa khi bước sang nửa sau của năm 2020.

Theo IEA, nếu sản xuất giảm mạnh, dự trữ hàng hóa tăng và kinh tế phục hồi, giai đoạn sau của năm 2020 sẽ chứng kiến cầu vượt cung.

Chi phí tài sản cố định của ngành dầu mỏ dự báo sẽ giảm 32% xuống còn 335 tỷ USD, mức thấp nhất trong 13 năm. IEA cho biết vẫn đang đợi thêm thông tin về việc cắt giảm sản lượng và các đề xuất sử dụng dự trữ chiến lược, khi Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã đề xuất hoặc cân nhắc đặt mua dầu.

Nếu số hàng này được chuyển thành số hàng dự trữ chiến lược lên tới 200 triệu thùng trong 3 tháng tới, con số này có thể tương đương với khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày nguồn cung được rút khỏi thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục