Giá dầu thị trường châu Á tiếp tục giảm trong phiên chiều 28/4

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 83 xu Mỹ (4,1%) xuống 19,16 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,57 USD (20%) xuống 10,21 USD/thùng.
Giá dầu thị trường châu Á tiếp tục giảm trong phiên chiều 28/4 ảnh 1Cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh Persian. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 28/4, giá dầu châu Á tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại khả năng dự trữ dầu thô thế giới “thu hẹp.”

Thêm vào đó là lo ngại nhu cầu nhiên liệu có thể phục hồi chậm khi các quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19.

Vào lúc 15 giờ 08 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 83 xu Mỹ (4,1%) xuống 19,16 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,57 USD (20%) xuống 10,21 USD/thùng.

Nhiều chiến lược gia cho rằng giá dầu WTI giảm một phần là do các loại hình đầu tư bán lẻ như các quỹ giao dịch tiến hành bán tháo các hợp đồng tháng Sáu trong tháng trước, và mua vào hợp đồng các tháng sau đó trong năm nay, để tránh các khoản lỗ lớn như tuần trước khi giá dầu WTI “rơi xuống” dưới 0 USD/thùng.

Quỹ Dầu khí Mỹ (USO) - quỹ trao đổi giao dịch dầu mỏ lớn nhất ở Mỹ - cho biết họ sẽ tăng cường chuyển sở hữu sang các hợp đồng thời gian sau này.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+, hồi đầu tháng này cam kết cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6/2020.

Tuy nhiên, lượng dầu cắt giảm gần như không đủ để bù đắp cho mức sụt giảm nhu cầu vào khoảng 30 triệu thùng/ngày bởi các quy định hạn chế đi lại  và sản xuất nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Theo số liệu mới đây của hãng tư vấn Kpler, khả năng lưu trữ dầu mỏ của toàn cầu trên đất liền ước tính đã đầy 85% tính đến cuối tuần qua, trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sụt giảm mạnh.

Một dấu hiệu cho thấy ngành năng lượng đang “đau đầu” trong việc tìm chỗ để lưu trữ xăng dầu khi các nhà đầu tư đang phải thuê các tàu lớn để lưu trữ khí đốt hoặc vận chuyển nhiên liệu ra nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục